Chảy máu cam không phải là hiện tượng hiếm gặp. Tuy nhiên, khi bị chảy máu cam, rất nhiều người lo lắng và hoảng loạn không biết nguyên nhân chảy máu cam là gì và có ảnh hưởng gì tới sức khỏe không.
Chảy máu cam, hay còn gọi là chảy máu mũi chỉ tình trạng các mạch máu nhỏ ở bên trong mũi bị vỡ do tổn thương.
Chảy máu cam được chia thành hai loại:
- Chảy máu mũi trước: Chảy máu mũi trước là tình trạng máu chảy từ niêm mạc mũi ra mũi trước do màng nhầy trở nên quá khô hoặc có một tác động lực trực tiếp vào mũi. Chảy máu mũi trước thường không gây nguy hiểm cho sức khỏe.
- Chảy máu mũi sau: Chảy máu mũi sau là tình trạng máu xuất phát ở phía sau khoang mũi rồi chảy xuống miệng và họng, khiến người bệnh ho khạc hoặc nôn ra máu. So với chảy máu mũi trước, tình trạng này trầm trọng hơn.
Chảy máu cam là vấn đề sức khỏe không hiếm gặp, trong đó đối tượng dễ bị chảy máu cam nhất là trẻ nhỏ và người lớn trên 65 tuổi.
Đọc thêm:
Chảy máu cam nên ăn uống gì bạn đã biết chưa?
Gợi ý 8 cách chữa chảy máu cam tại nhà cực đơn giản
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, chảy máu cam ở người lớn thường do các nguyên nhân sau:
- Stress, căng thẳng và lo lắng: Đây là nguyên nhân phổ biến và thường gặp nhất dẫn tới tình trạng chảy máu cam ở người lớn. Những người hay rối loạn lo âu có nhiều nguy cơ bị chảy máu mũi mãn tính, chảy máu tái phát hoặc chảy máu đột ngột. Các trường hợp gây lo lắng như sợ độ cao, chấn thương thể chất...là yếu tố kích thích gây ra chảy máu cam.
- Ngoáy mũi hoặc xì mũi mạnh: Hành động ngoáy mũi và xì mũi mạnh tưởng như là vô hại nhưng là nguyên nhân gây chảy máu cam.
- Huyết áp tăng: Tình trạng tăng huyết áp không chỉ là yếu tố kích thích chảy máu cam, mà còn khiến lượng máu chảy ra nhiều hơn . Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị chứng cao huyết áp có chứa thành phần làm loãng máu khiến tình trạng chảy máu cam càng trở nên khó kiểm soát hơn.
- Chế độ ăn uống: Thức ăn quá cay, quá nóng, bia rượu...cũng là nguyên nhân gây chảy máu cam.
- Thời tiết thay đổi đột ngột: Chảy máu cam ở người lớn cũng xuất hiện do thời tiết thay đổi một cách quá đột ngột như quá nóng, quá lạnh, đặc biệt là vào những ngày mùa đông hanh khô.
Với trẻ em, nếu xuất hiện tình trạng chảy máu cam, bố mẹ cần phải theo dõi vì chảy máu cam ở trẻ em có thể do nguyên nhân vật lý hoặc nguyên nhân vật lý.
Dưới đây là những nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ:
- Thời tiết hanh khô hoặc dùng điều hòa, máy sưởi trong thời gian dài khiến mạch máu trong mũi của trẻ bị vỡ, gây ra tình trạng chảy máu cam.
- Trẻ ngoáy mũi quá mạnh và sâu, làm tổn thương các mạch máu trong mũi.
- Trẻ đưa dị vật vào trong mũi.
- Trẻ vui chơi, chạy nhảy...và tác động mạnh vào mũi.
- Vách ngăn mũi của trẻ bị vẹo.
- Trẻ xì mũi hoặc hắt hơi quá mạnh.
- Trẻ gặp tình trạng dị ứng, nhiễm trùng ở khu vực mũi, họng và xoang.
- Chảy máu cam ở trẻ cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc xịt mũi.
- Trẻ bị gãy xương mũi, vỡ nền sọ do chấn thương.
- Trẻ bị mắc các bệnh liên quan tới huyệt học như rối loạn đông máu, xuất huyết giảm tiểu cầu, suy tủy xương...
- Các khối u, kể cả khối u lành tính và khối u ác tính ở vùng tai mũi họng của trẻ cũng khiến trẻ bị chảy máu cam. Tuy nhiên, nguyên nhân này rất hiếm gặp.
Cũng như chảy máu cam ở người lớn, chảy máu cam ở mẹ bầu cũng có thể là do các nguyên nhân gây chảy máu cam ở người lớn đã liệt kê ở trên.
Tuy nhiên, cần lưu ý mang thai có thể làm cho các mạch máu trong mũi của mẹ bầu mở rộng, và việc cung cấp máu tăng lên sẽ gây áp lực lên những mạch máu mỏng manh đó, khiến chúng dễ bị vỡ hơn. Đây là lý do tại sao chảy máu cam là vấn đề sức khỏe phổ biến trong khi mang thai. Theo các thống kê, có khoảng 20% phụ nữ mang thai bị chảy máu cam, trong khi chỉ có 6% phụ nữ không mang thai bắt gặp tình trạng này.
Hiện tượng chảy máu cam thường là vô hại đối với những người phụ nữ mang thai. Hầu như tình trạng chảy máu cam xảy ra một vài lần trong quá trình mang bầu không gây ra bất kì sự nguy hiểm nào.
Khi trẻ bị chảy máu cam, các bậc phụ huynh có thể tự sơ cứu tại nhà bằng cách thực hiện theo các hướng dẫn sau:
- Động viên con bình tĩnh, tránh cho trẻ hoảng loạn, quấy khóc.
- Cho trẻ ngồi hoặc đứng ở tư thế thẳng, đầu hơi nghiêng nhẹ về phía trước.
- Bố mẹ rửa tay sạch sẽ, góp phần nửa dưới mũi của trẻ và giữ chặt như vậy trong khoảng 10 phút.
- Cho bé nằm nghiêng để nghỉ ngơi. Tuyệt đối không cho trẻ nuốt máu vì có thể khiến trẻ nôn mửa, bị sặc...
Bố mẹ lặp lại các bước này nếu trẻ vẫn tiếp tục chảy máu cam. Tuy nhiên, cần lưu ý nếu trên 10 phút mà chưa cầm được máu thì cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay nếu hiện tượng chảy máu cam kèm theo các hiện tượng sau:
- Chảy máu cam lặp đi lặp lại nhiều lần mà không rõ nguyên nhân.
- Các vết bầm dập trên cơ thể xuất hiện khi trẻ bị chảy máu cam, hoặc xuất hiện máu ở phân, nước tiểu.
- Tim trẻ đập nhanh, khó thở, nôn ra máu.
- Trẻ mắc các bệnh lý khác như bệnh gan, bệnh thận...
Mặc dù thường không quá nguy hiểm nhưng tình trạng chảy máu cam ở người lớn khiến bản thân bệnh nhân và những người xung quanh cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Theo đó, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị chảy máu cam, cần áp dụng những bước sơ cứu ban đầu đúng cách có thể giúp giảm bớt sự lo lắng khi một người bị chảy máu mũi.
Cụ thể, phương pháp sơ cứu chảy máu cam ở người lớn tuân thủ theo các bước sau:
- Ngồi thẳng.
- Hơi nghiêng đầu về phía trước.
- Bóp mũi và thở từ từ bằng miệng trong khoảng thời gian 10 phút cho tới khi máu chảy chậm lại hoặc máu ngừng chảy.
Khi máu có dấu hiệu chảy chậm lại, người bị chảy máu cam cần uống một ít nước để tránh cơ thể bị mất nước. Ngoải ra, tốt nhất, nên nghỉ ngơi trong phòng có máy phun sương tạo ẩm hoặc ở những nơi mà không khí không quá hanh khô.
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân chảy máu cam cũng như cách xử lý khi gặp phải tình trạng này. Điều quan trọng khi bị chảy máu cam là cần bình tĩnh để sơ cứu cũng như quan sát người bệnh, nếu có gì bất thường cần được đưa đi các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn