Chị Khánh Linh (ngụ Quận 2, TPHCM) chia sẻ, lúc đầu, gia đình chị dự định ở lại TPHCM ăn Tết vì chi phí đi lại đắt đỏ nhưng thấy kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 dài ngày nên cả gia đình lại quyết định về quê.
Thế nhưng, chị Linh vẫn ung dung chưa đặt vé máy bay ngay vì nghĩ rằng vé Tết mua sớm hay muộn giá cũng như nhau và luôn còn chỗ. Cách đây 2 ngày, chị "tá hỏa" khi gọi điện cho đại lý đặt vé máy bay và được biết, những ngày mà gia đình chị dự định về quê đều không còn vé.
Cuối cùng, chị Linh đành phải xin nghỉ làm và xin nghỉ học sớm cho các con để về quê sớm hơn dự định thì mới có vé máy bay.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt, tính đến hết tháng 11/2024, tổng số vé tàu Tết đã bán khoảng 125.000 vé, doanh thu bán vé 189 tỉ đồng (vé đã bán bằng 25% về sản lượng khách, 42% doanh thu so với Tết Nguyên đán 2024).
Số lượng vé mua online chiếm 61% số lượng vé bán. So sánh tốc độ bán vé, sản lượng vé bán và doanh thu đều bằng 125% so với Tết Nguyên đán 2024. Giá vé tàu Tết 2025 tăng 4%-5% so với cùng kỳ năm trước, tùy hành trình và loại tàu.
Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt cho biết, vé tàu đi các ngày từ 22/1 (23 tháng Chạp) đến 26/1/2025 (27 tháng Chạp) đã hết vé. Vé tàu từ ngày 27/1 (28 tháng Chạp) đến 28/1/2025 (29 tháng Chạp) còn khoảng 8.800 vé.
Trước tình trạng khách có nhu cầu đặt vé cao, hết vé nhiều chặng, đơn vị đang có kế hoạch chạy thêm một số tàu vào thời điểm cao điểm để phục vụ khách.
Theo ghi nhận của các hãng hàng không, mặc dù nhịp bán vé Tết Nguyên đán 2025 không "sốt" từ những ngày đầu mở bán nhưng đến hết tháng 11/2024, số lượng hành khách tăng đều mỗi ngày.
Hành khách tập trung mua vé trên các chặng từ miền Nam ra các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên chiều trước Tết và ngược lại sau Tết. Vietnam Airlines ghi nhận hệ số đầy chỗ trung bình trên nhiều chuyến bay đã đạt 70% - 80%, có một số chuyến vào giờ tốt đã gần đầy chỗ.
Ngoài ra, đại diện Vietnam Airlines cho biết: "Năm nay ghi nhận xu hướng mới khi nhiều chuyến bay từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam được nhiều khách hàng lựa chọn, đặc biệt là đối tượng khách hàng trẻ. Xu hướng hành khách mua vé Tết thời gian qua tăng nhanh được cho là do Chính phủ quyết định số ngày nghỉ Tết dài".
Theo Cục Hàng không Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, tổng số ghế cung ứng trên các đường bay quốc tế và nội địa từ ngày 14/1 (15 tháng Chạp) đến 12/2/2025 (15 tháng Giêng) đạt hơn 7 triệu ghế, tăng hơn 5% so với Tết Giáp Thìn 2024.
Trong đó, số ghế cung ứng nội địa đạt hơn 4,9 triệu ghế, với bình quân 165 nghìn ghế/ngày, tăng khoảng 4,8% so với năm 2024.
Giá vé máy bay trên các đường bay ở mức cao. Theo số liệu khảo sát của Cục Hàng không Việt Nam, giá vé cao nhất ở mức 3,7 triệu đồng/vé với chặng TPHCM - Thanh Hóa (theo quy định, giá vé không được vượt 4 triệu đồng).
Cụ thể, trước Tết, với chặng bay từ TPHCM đi Thanh Hóa, giá vé của Vietjet Air ở mức 3 triệu đồng/vé còn Vietnam Airlines lên tới hơn 3,7 triệu đồng/vé, tăng gấp đôi so với giá ở thời điểm hiện tại.
Chặng TPHCM - Hà Nội lên tới gần 7,5 triệu đồng/vé khứ hồi nếu bay Vietnam Airlines; 7-7,36 triệu đồng/vé khứ hồi khi bay Vietjet; 6,3 - 7 triệu đồng/vé khứ hồi khi bay Vietravel Airlines. Các chặng bay từ TPHCM đi Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng... giá vé cũng khá cao.
Tuy nhiên, vé các chuyến bay rỗng lệch đầu giá rất thấp, chỉ từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng/vé khứ hồi. Theo Cục Hàng không Việt Nam, sự chênh lệch giá vé phần lớn do nhu cầu di chuyển về quê đón Tết ở các tỉnh phía Bắc tăng cao, khiến giá vé một chiều từ Nam ra Bắc cao hơn so với chiều ngược lại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn