Nôn trớ: Đây là tình trạng hay gặp đối với trẻ nhỏ do vị trí dạ dày của trẻ nằm ngang. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ giảm dần và hết khi dạ dày trở về vị trí bình thường (chiều dọc). Bắt núm vú không đúng kỹ thuật khi trẻ bú, dẫn đến sữa và không khí cùng vào dạ dày; sau khi trẻ bú mẹ, việc thay đổi tư thế đột ngột, làm thức ăn ở dạ dày trào ra ngoài. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ trong những tháng đầu đời. Có đến 2/3 số trẻ bị tình trạng này.
Táo bón: Là triệu chứng hay gặp ở trẻ nhỏ vì nhu động ruột còn yếu, hệ tiêu hoá chưa hoàn thiện. Đặc biệt khi trẻ ăn bổ sung sớm (trước 180 ngày), bữa ăn bổ sung không có rau xanh, không có dầu mỡ, không có chất đạm, chỉ có bột trắng với đường hoặc muối. Khi bị táo bón, trẻ hay quấy khóc, cáu gắt, dễ bỏ bữa, biếng ăn, dẫn tới bữa ăn của trẻ thiếu cả số lượng và chất lượng các chất dinh dưỡng, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, còi xương, chậm phát triển.
Đi ngoài phân sống: Sự mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường tiêu hóa là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi ngoài phân lỏng, phân sống. Một cơ thể khỏe mạnh thì tỷ lệ giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại được cân bằng. Nó giúp cho quá trình tiêu hóa cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng và thải trừ chất độc hại diễn ra bình thường.
Tiêu chảy: Trẻ đi ngoài ra phân lỏng như nước trên 3 lần một ngày và kéo dài dưới 14 ngày thì được coi là tiêu chảy. Khi tiêu chảy nhiều, kéo dài, trẻ dễ bị mất nước, mất chất điện giải, nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi: Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, bú nhiều lần trong ngày. Nếu mẹ không có sữa thì sử dụng sữa bột công thức không có lactose hay sữa đậu nành.
Với trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi: Tiếp tục bú sữa mẹ, bú nhiều lần hơn. Nếu mẹ không có sữa, dùng sữa không có đường lactose hoặc pha loãng sữa bột bằng nước cháo để làm giảm 50% nồng độ đường lactose hay sữa đậu nành. Thức ăn bổ sung có đủ 4 nhóm thực phẩm (ngũ cốc + đạm động vật hoặc đậu đỗ + rau xanh + dầu mỡ) dễ tiêu hóa, có nồng độ thẩm thấu thích hợp. Nên sử dụng đạm động vật giàu dinh dưỡng, dễ tiêu như: thịt lợn nạc, thịt gà nạc, trứng, cá quả, cá bống(đã gỡ xương). Các thực phẩm phải xay nhỏ, nấu mềm, không quá đặc cho trẻ ăn dễ. Lượng dầu, mỡ cho ít hơn bình thường (1/2 thìa cà phê). Chia thức ăn làm nhiều bữa trong ngày. Thịt gà, thịt lợn nạc băm nhỏ, cho vào bột, cháo và thêm dầu thực vật (1/2 đến 3/4 thìa cà phê). Thịt gà dễ hấp thu, có tác dụng hồi phục sớm tổn thương niêm mạc ruột, rút ngắn thời gian tiêu chảy.
Chế độ ăn cho trẻ 1-3 tuổi: Cho trẻ ăn trái cây loại ngọt hoặc ít chua (chuối, hồng xiêm, xoài, vú sữa...) để bổ sung kali và các vitamin. Tránh sử dụng các thức ăn, nước uống quá mặn hoặc quá ngọt vì dễ kéo dài thời gian tiêu chảy. Bổ sung cho trẻ vitamin A, sắt, acid folic, kẽm để cơ thể nhanh chóng phục hồi tổn thương niêm mạc ruột. Khi trẻ đỡ tiêu chảy thì chuyển dần sang chế độ ăn bình thường theo lứa tuổi và cho ăn thêm mỗi ngày một bữa, kéo dài một tháng sau khi khỏi bệnh.
"Ngoài chế độ ăn uống cho trẻ thì probiotic giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cải thiện chức năng của hệ miễn dịch", bác sĩ Tiến khẳng định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn