1. Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Thụ tinh trong ống nghiệm có tên tiếng Anh là In vitro fertilization gọi tắt là IVF là một thủ thuật y tế bằng việc kết hợp trứng và tinh trùng, tạo cho bạn một phôi thai (thực hiện ở bên ngoài cơ thể). Sau đó, phôi được đông lạnh hoặc chuyển vào tử cung của người phụ nữ với điều kiện buồng trứng bình thường, đòi hỏi phải được thực hiện tại các bệnh viện lớn có uy tín với đầy đủ các trang thiết bị tiên tiến hiện đại.
Bạn có thể có một số cảm xúc khi chuẩn bị bắt đầu hành trình thụ tinh ống nghiệm: lo lắng, buồn bã và không chắc chắn. Thụ tinh ống nghiệm mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi thể chất và chi phí cao.
Do đó, ý nghĩa của chế độ ăn khi chuẩn bị thực hiện IVF cũng rất quan trọng, đảm bảo cơ thể bạn khỏe mạnh để bắt đầu hành trình tìm con thành công.
2. Chế độ ăn cho người làm thụ tinh ống nghiệm như nào là hợp lý?
Trước khi bắt đầu với chế độ ăn uống trước khi làm IVF, bạn cần biết rằng: Không có kết quả nào chứng minh về việc bạn ăn gì sẽ giúp bạn điều trị vô sinh. Tuy nhiên, những gì bạn ăn có thể liên quan đến sức khỏe của bạn, ảnh hưởng đến trứng và tinh trùng. Như vậy, để có một thai kỳ khỏe mạnh điều quan trọng là trứng và tinh trùng phải khỏe mạnh.
Mỗi người có một cơ thể khác nhau nên chế độ ăn cũng khác nhau. Bằng cách hiểu rõ thực phẩm, bạn sẽ có cơ hội thành công mang thai trong ống nghiệm nhiều hơn vì thực phẩm có mối quan hệ gián tiếp với cơ thể. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp sẽ giúp cơ thể phản ứng tốt hơn. Dưới đây là các thực phẩm nên ăn trong quá trình chuẩn bị làm IVF:
Kẽm giúp cân bằng mức độ hormone, điều chỉnh nội tiết tố phù hợp. Do đó, đáp ứng nhu cầu kẽm hàng ngày là 15mg sẽ có lợi cho sức khỏe. Bạn có thể bổ sung kẽm thông qua cách tiêu thụ chất dinh dưỡng tự nhiên như bổ sung các loại hạt, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, thịt và khoai tây.
Axit folic được coi là dưỡng chất quan trọng trong quá trình mang thai của bạn. Khi kết hợp với một số loại vitamin ở thực phẩm từ các loại rau xanh và trái cây có tác dụng phát triển não bộ và tủy sống cho bé.
Việc bị dị tật bẩm sinh thường xảy ra trong 3-4 tuần đầu của thai kỳ do cơ thể thiếu một số chất dinh dưỡng cần thiết, nhất là axit folic. Vì vậy, bạn nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất này cho quá trình mang thai. Sau đây là lượng tiêu thụ axit folic hàng ngày khi đang có kế hoạch sinh con:
- Khi bạn lên kế hoạch thụ thai: 400 mcg.
- Trong 3 tháng đầu của thai kỳ: 400 mcg.
- Từ tháng thứ 4-9 thai kỳ: 600 mcg.
Nên tăng cường dự trữ sắt trong cơ thể vì thiếu sắt hoặc thiếu máu có thể khiến bạn sinh con quá sớm hoặc quá nhỏ.
Hàng tháng, trong kỳ kinh nguyệt phụ nữ thường bị mất sắt và do không có chế độ ăn uống lành mạnh dẫn đến thiếu sắt. Sắt trong cơ thể có liên quan đến sự rụng trứng và khi thiếu sắt dẫn đến sức khỏe của trứng kém. Để đảm bảo bổ sung thực phẩm giàu sắt bạn có thể ăn hạt bí ngô, hàu hay rau bina, rau chân vịt…
Bạn có thể bổ sung các chất béo lành mạnh từ quả óc chó, dầu oliu, hạt chia và dầu hạt lanh. Đây là chất béo không bão hòa được khuyến khích vì những chất này giúp hình thành trứng khỏe mạnh trong cơ thể bạn. Những chất béo sẽ hoạt động giống như một kho dự trữ năng lượng mà bạn cần trong quá trình thụ tinh ống nghiệm và sau khi mang thai thành công.
Trứng, thịt và các sản phẩm làm từ sữa là nguồn cung cấp protein dồi dào. Protein có ảnh hưởng đến sự phát triển của trứng trong buồng trứng nên luôn được khuyến khích trong quá trình mang thai và cần thiết phải bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày.
Với lối sống ngày nay, việc bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể là một nhiệm vụ không thể thiếu. Mức nước tối ưu trong cơ thể có liên quan đến việc duy trì sự cân bằng các yếu tố khác nhau. Nước cũng hỗ trợ lưu thông máu vì vậy bạn nên uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày.
Ngoài những thực phẩm có lợi thì bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm có hại. Vì thường thực phẩm có hại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu hoặc tác động đến phôi thai làm tổ nên cần tránh.
- Trứng ở dạng thô: Thường được sử dụng trong nhiều sản phẩm thực phẩm như mayonnaise, kem bánh quy hay nước sốt… Do đó, bạn nên tránh ăn trứng ở dạng thô, cần nấu chín trước khi ăn.
- Nước uống có ga, cồn, các chất kích thích: Đây là những đồ uống gây bất lợi vì có thể tác động xấu đến các dây thần kinh ảnh hưởng đến hormone phụ nữ sản sinh ra nếu uống quá nhiều.
- Đường tinh luyện: Thực phẩm có chứa đường tinh luyện có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái nhưng lại gây áp lực cho gan để sản xuất nhiều insulin cân bằng lượng đường. Áp lực lên gan có thể gây ảnh hưởng đến quá trình sinh sản.
- Món ăn chứa chất béo bão hòa: Thịt đóng hộp, khoai tây chiên, thịt hun khói hay các món ăn chiên xào… có thể làm tăng khả năng viêm buồng trứng hay suy giảm nội tiết tố thất thường.
Trên đây là những thông tin về chế độ ăn cho người làm thụ tinh ống nghiệm. Bên cạnh việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, bạn cũng cần chú ý đến sức khỏe bản thân, từ bỏ những thói quen xấu, duy trì một lối sống lành mạnh để có một thai kỳ khỏe mạnh sau thụ tinh.
Nguồn tham khảo:
- The 30-Day Guide to IVF Success: Diet, Chemicals, Sex, and More
- IVF Diet Foods to Eat and Foods to Avoid During Treatment
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn