Cha mẹ nào cũng mong con mình biết nói sớm, phát âm chuẩn và có khả năng vận dụng từ ngữ tốt. Nhưng cha mẹ có biết, việc bé biết nói nhanh hay chậm, phát âm tốt hay không phụ thuộc khá nhiều vào quá trình chăm sóc, hướng dẫn của cha mẹ nữa đấy.
Nguyên nhân khiến bé biết nói chậm
Do vấn đề với các cơ quan trong vòm miệng
Những bệnh lý có khả năng khiến trẻ chậm nói như hở hàm ếch, hở môi và dính thắng lưỡi. Các nguyên nhân này có thể khắc phục bằng các tiểu phẫu đơn giản, ít xâm lấn. Sau khi loại bỏ yếu tố cản trở việc học nói, kết hợp can thiệp tích cực, khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ cải thiện sau 3-6 tháng.
Do cha mẹ bỏ bê con cái
Cuộc sống hiện đại bận rộn khiến các bậc phụ huynh bị cuốn mình theo công việc nên không có nhiều thời gian với con cái. Ít trò chuyện với con, không dạy con học nói thì trẻ sẽ càng chậm biết nói. Khi bị bỏ bê quá mức còn làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Trẻ chậm nói do nguyên nhân tâm lý cũng đang ngày càng gia tăng.
Ít trò chuyện với con, không dạy con học nói thì trẻ sẽ càng chậm biết nói. (Ảnh minh họa)
Do môi trường ngôn ngữ hỗn tạp
Nếu môi trường ngôn ngữ xung quanh trẻ tương đối hỗn tạp, có tiếng phổ thông, có tiếng địa phương, có tiếng nước ngoài, ắt gây khó khăn khi trẻ học nói. Bởi trẻ không biết phải học theo ngôn ngữ nào cho đúng. Không chỉ khiến trẻ chậm nói, mà phát âm của trẻ còn bị lai tạp các ngôn ngữ với nhau.
Trong quá trình con tập nói, cha mẹ nếu phát hiện con nói sai thì phải kịp thời uốn nắn, điều chỉnh giúp trẻ. Nhiều người vẫn quan niệm, trẻ nhỏ nói ngọng là điều bình thường, sau này lớn tự khắc sẽ phát âm đúng. Thực tế đó là một suy nghĩ sai lầm. Một khi trẻ hình thành thói quen về ngôn ngữ, sau này sẽ càng khó sửa chữa.
Có một điều dường như cha mẹ còn chưa biết, chế độ ăn của bé cũng có tác động không nhỏ tới việc phát âm và học nói đấy. Đặc biệt thời điểm trẻ dưới 1 tuổi, cha mẹ hãy lưu ý những vấn đề về ẩm thực của con sau đây để trẻ nhanh biết nói, phát âm chuẩn hơn:
Đối với trẻ từ 6-8 tháng
Trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi bắt đầu ăn dặm. Giai đoạn này răng bé mới bắt đầu nhú, khả năng tiêu hóa của dạ dày còn hạn chế. Trẻ mới đầu chỉ ăn thức ăn xay nhuyễn mịn như cháo rây, bột. Ngoài uống sữa công thức/sữa mẹ, bé có thể ăn bổ sung từ 2-3 bữa/ngày. Cha mẹ lưu ý không nên cho trẻ ăn quá nhiều trong 1 bữa, tránh trẻ bị no quá gây khó chịu, lại không tốt cho hệ tiêu hóa.
Khi bé được khoảng 7 tháng, cha mẹ có thể tăng dần độ thô của cháo, thêm cà rốt và rau bina để bổ sung vitamin. Lúc con ăn cháo, bột, đầu lưỡi đồng thời hoạt động để thúc đẩy quá trình nuốt. Từ đó mà đầu lưỡi càng trở nên linh hoạt, có lợi cho việc học nói sau này.
Các bậc cha mẹ muốn con biết nói sớm cần phải rèn luyện khả năng nhai cho con ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. (Ảnh minh họa)
Đối với trẻ 8-9 tháng
Thời điểm này răng trẻ đã mọc, trẻ rất thích cho mọi thứ trong tay vào miệng để gặm, cắn. Do đó, chế độ ăn dặm của bé cũng phải được thay đổi. Độ thô của thức ăn tăng dần, lượng thức ăn mỗi bữa đồng thời cần tăng lên.
Mẹ hãy thêm một chút thịt nạc băm vào cháo của con để cải thiện khả năng nhai cho bé. Khả năng nhai phát triển, cơ hàm trở nên linh hoạt, từ đấy tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát âm và học nói của trẻ nhỏ.
Đối với trẻ 9-12 tháng
Lúc này răng của bé đã mọc thêm, bé nhai được khá tốt thức ăn thô và một ít đồ ăn rắn. Mẹ nên thái thực phẩm thành hình hạt lựu để trẻ tập nhai nuốt. Khi ăn, cha mẹ hãy để con ngồi cùng mâm với gia đình. Vừa giúp trẻ cảm thấy hứng thú hơn với bữa ăn, vừa tạo điều kiện cho bé tiếp cận với các loại đồ ăn của người lớn. Điều đó khiến chế độ dinh dưỡng con nạp vào toàn diện hơn, trẻ cũng cải thiện tốt khả năng nhai của mình.
Giai đoạn này, cha mẹ hãy giảm lượng sữa hàng ngày của con để trẻ ăn tăng lượng thực phẩm bổ sung. Điều đó giúp cung cấp đủ năng lượng, dinh dưỡng cho cơ thể lại khiến trẻ tập nhai nuốt, luyện chuyển động của lưỡi và cơ hàm, trẻ sẽ biết nói nhanh hơn.
Qua đây chúng ta có thể thấy, việc phát âm của trẻ không thể tách rời với khả năng nhai. Các bậc cha mẹ muốn con biết nói sớm cần phải rèn luyện khả năng nhai cho con ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Khi trẻ ăn, trẻ sẽ đồng thời sử dụng cả lưỡi. Việc lưỡi có linh hoạt hay không có vai trò rất quan trọng đối với quá trình học nói và phát âm của trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn