Khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh là thời điểm cơ thể trẻ cần nhiều tinh bột hơn, do nhu cầu năng lượng tăng cao. Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chính, giúp cơ thể duy trì sức mạnh và hoạt động trong điều kiện nhiệt độ thấp. Cha mẹ nên tăng cường các loại thực phẩm giàu tinh bột như gạo, mì, khoai tây, khoai lang và bí đỏ.
Những thực phẩm này không chỉ giúp trẻ no lâu mà còn cung cấp năng lượng dồi dào hơn so với các loại đường đơn như kẹo. Để tăng thêm sự hấp dẫn cho bữa ăn, cha mẹ có thể biến tấu các món ăn từ tinh bột thành nhiều dạng khác nhau theo sở thích của trẻ.
Nhóm thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa không chỉ cung cấp protein cần thiết cho sự phát triển của trẻ mà còn giúp cơ thể sinh nhiệt, giữ ấm trong mùa đông. Ngoài ra, chất béo từ mỡ động vật và dầu thực vật như dầu mè, dầu đậu nành cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhiệt độ cơ thể và cung cấp năng lượng.
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ nên thêm một lượng nhỏ dầu thực vật vào các món ăn hằng ngày như rau xào, súp, hoặc sử dụng bơ đậu phộng, bơ thực vật để tăng cường lượng chất béo cần thiết.
Vitamin D: Vào mùa đông, thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giảm, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt vitamin D - một dưỡng chất quan trọng giúp cơ thể hấp thụ canxi và phát triển xương. Cha mẹ nên bổ sung vitamin D cho bé thông qua các loại thực phẩm như sữa, trứng, cá hồi, dầu cá và nấm.
Vitamin E và C: Hai loại vitamin này giúp cải thiện khả năng thích ứng của cơ thể với thời tiết lạnh, đồng thời tăng cường sức đề kháng. Các loại rau xanh đậm như cải xanh, cải xoong, cùng với trái cây như cam, quýt và các loại dầu thực vật là nguồn cung cấp vitamin E và C dồi dào.
Vitamin B2: Giúp tăng sức đề kháng và khả năng chống chọi với các thay đổi thời tiết bất lợi. Vitamin B2 có nhiều trong các sản phẩm từ sữa, trứng, ngũ cốc, đậu và các loại hạt.
Ngoài việc cung cấp đủ dinh dưỡng từ thực phẩm, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung đủ nước cho trẻ, đặc biệt là trong những ngày lạnh. Nước không chỉ giúp duy trì quá trình trao đổi chất mà còn hỗ trợ hệ tiêu hóa, giúp tim hoạt động hiệu quả và vận chuyển oxy đến các tế bào. Trong những ngày thời tiết giao mùa sang mùa lạnh, việc uống đủ nước giúp cơ thể loại bỏ độc tố, giảm triệu chứng ho, làm loãng chất nhầy và giúp đường hô hấp thông thoáng hơn.
Ngoài 3 bữa chính, trẻ nên ăn thêm 1-2 bữa phụ mỗi ngày để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể. Cha mẹ có thể sử dụng các món ăn nhẹ như trái cây, sữa chua, hoặc các loại hạt để bổ sung dinh dưỡng giữa các bữa ăn chính.
Với chế độ dinh dưỡng hợp lý và đa dạng trong mùa đông, trẻ không chỉ duy trì được sức khỏe tốt mà còn phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ, sẵn sàng đương đầu với những thay đổi của thời tiết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn