Chỉ cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai với một số trường hợp cụ thể

16:40 | 04/07/2017;
Thông tin Bộ Y tế vừa cấm các cơ sở y tế thực hiện gây tê tủy sống khi thực hiện mổ lấy thai khiến cho nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, việc cấm thực hiện kỹ thuật này chỉ trong một số trường hợp cụ thể.
Gây tê tuỷ sống là phương pháp gây tê vùng, được thực hiện bằng cách tiêm thuốc tê vào trong dịch não tuỷ, thuốc tê sẽ ức chế có hồi phục dẫn truyền của các rễ thần kinh, các rễ thần kinh này không được bao bọc bởi lớp vỏ ngoài thần kinh và tiếp xúc với thuốc tê trong dịch não tuỷ. Thời gian để thuốc tê ngấm vào tổ chức thần kinh xảy ra nhanh và đạt được tối đa cũng nhanh trong vòng 5 đến 10 phút đầu sau khi tiêm thuốc (tuỳ loại thuốc tê).

Phương pháp này được chỉ định khi phẫu thuật bụng dưới, các phẫu thuật sản phụ khoa, phẫu thuật chi dưới, các phẫu thuật tiết niệu,…Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định tuyết đối với những bệnh nhân thiếu khối lượng tuần hoàn chưa bù đủ, sốc; rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc chống đông; mhiễm trùng tại chỗ chọc, nhiễm khuẩn huyết; bệnh tim nặng; tăng áp lực nội sọ,…

Khi thực hiện phương pháp này, bệnh nhân có thể gặp nhiều biến chứng. Cụ thể, khi chọc tủy sống có thể thất bại do không chọc được do vôi hoá, thoái hoá cột sống, gù, vẹo; chọc vào các rễ thần kinh. Khi tiến hành chọc, bệnh nhân có thể thấy đau chói, giật chân một bên hoặc cả hai bên; tụt huyết áp và mạch chậm. Ngoài ra, bệnh nhân có thể buồn nôn và nôn, nhức đầu, bí tiểu, đau chỗ chọc vùng lưng và các biến chứng thần kinh.
dsc_0030.jpg
Các bác sĩ gây mê tủy sống trước khi mổ

Chỉ cấm một số trường hợp cụ thể

Trước đó, Bộ Y tế có công văn về việc khuyến cáo không gây tê tủy sống trong mổ lấy thai các trường hợp nhau tiền đạo trung tâm, bán trung tâm, nhau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật... vì có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như thuyên tắc mạch, ngưng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng. 

Về việc này, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 (BV Phụ sản Hà Nội) hiện đang có sự hiểu nhầm khá lớn trong dư luận. Thứ nhất, kỹ thuật gây tê tủy sống khi mổ lấy thai không có gì mới. Tại các BV lớn như Bv Phụ sản Hà Nội, kỹ thuật này được thực hiện thường quy.

Trong mổ sinh, nếu kiểm soát huyết áp tốt thì tình trạng mất máu do tử cung gò kém ít hơn, tình trạng tiêu hoá ổn định, ho, sốt, suy hô hấp ít hơn, sản phụ tiết sữa nhanh hơn. Đây là các yếu tố thuận lợi cho phương pháp da kề da cũng như các sản phụ vận động sớm hơn trong thời gian hậu phẫu.

“Việc Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng gây tê tủy sống khi mổ lấy thai là chỉ áp dụng cho một số trường hợp cụ thể, chứ không phải tất cả. Bất cứ một phương pháp nào cũng có tác dụng ngoại ý. Tuy nhiên nếu kiểm soát tốt thì gây tê tuỷ sống vẫn là phương pháp an toàn trong vô cảm khi mổ lấy thai. Tuy nhiên, cần phải tôn trọng các chống chỉ định để không xảy ra tai biến cho sản phụ”, bác sĩ Khải nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua Bộ phát hiện khi gây tê tủy sống để mổ lấy thai có một số biến chứng. Tuy nhiên, đó là các trường hợp cụ thể như nhau tiền đạo trung tâm, bán trung tâm, nhau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật... vì có nguy cơ cao xảy ra một số tai biến như thuyên tắc mạch, ngưng tim, rối loạn đông máu nên mới khuyến cáo các cơ sở y tế. Trong khuyến cáo, Bộ cũng nói rõ những trường hợp nào không được áp dụng chứ không phải tất cả”, ông Khoa nói.  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn