Xuất thân từ Ninh Bình, một tỉnh đồng bằng phía Bắc Việt Nam, chị Nguyễn Thị Trâm bén duyên với mảnh đất Văn Bàn, tỉnh Lào Cai khi chuyển tới đây làm giáo viên từ 20 năm trước. Sau nhiều năm gắn bó, chị coi Văn Bàn như quê hương thứ hai của mình.
Trong suốt hai thập kỷ, chứng kiến những mảnh đời khó khăn do thiếu thốn về kinh tế, đặc biệt là sự thiệt thòi của người phụ nữ dân tộc thiểu số, chị quyết định tham gia và gắn bó với Hội phụ nữ huyện để góp phần giúp chị em phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế. Sau những nỗ lực và tâm huyết, chị được tin tưởng giao phó cương vị Chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Bàn.
Cùng phụ nữ vùng cao dệt ước mơ
Từ rất lâu, người dân Văn Bàn đã gắn bó với việc trồng lúa, ngô và sắn. Gần đây, do hiện tượng biến đổi khí hậu, năng suất cây trồng giảm đáng kể. Trong nỗ lực tìm loại cây trồng hiệu quả và phù hợp hơn, chị Nguyễn Thị Trâm có cơ hội gặp gỡ Công ty An Phước - một trong những doanh nghiệp hàng đầu về ngành dệt may tại Việt Nam cũng đang tìm kiếm vùng trồng cây gai xanh AP1 (cây gai xanh), loại cây từ lâu đã được sử dụng làm nguyên liệu dệt may tại Việt Nam và trên thế giới do đây là một trong những loại sợi tự nhiên bền chắc nhất.
Nhận thấy gai xanh là một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc và có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cây hoa màu như ngô và sắn, chị Trâm quyết tâm mang loại cây này giới thiệu với bà con nông dân, phần lớn là phụ nữ.
Chị Nguyễn Thị Trâm chia sẻ: Trồng cây gai xanh AP1 không mất nhiều công chăm sóc, cây sinh trưởng phát triển rất tốt và mang lại giá trị kinh tế cao. Vỏ cây gai xanh chế biến thành sợi để dệt ra các loại vải cao cấp an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, lá, thân cây gai đều có thể tận dụng phục vụ trong sản xuất công nghiệp thực phẩm và sử dụng làm thức ăn gia súc. Trong quá trình trồng và chăm sóc, cây dễ sống mà không cần sử dụng các loại thuốc hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Việc phát triển trồng cây gai xanh còn giữ ẩm, cải tạo đất, chống xói mòn, hạn chế rủi ro do thiên tai. Phát triển được vùng trồng nguyên liệu sợi từ cây gai xanh sẽ tạo việc làm, giúp tăng thu nhập cho chị em phụ nữ vùng cao Tây Bắc.
Được sự hỗ trợ của Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai và Sơn La” (gọi tắt là GREAT), thực hiện theo thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Austalia và Chính phủ Việt Nam, chị Nguyễn Thị Trâm đã thực hiện được mục tiêu mở rộng vùng trồng cây gai xanh lên 350ha. Chị cũng tích cực phối hợp với chính quyền huyện và ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai gói vay dành riêng cho nông dân trồng gai xanh để mua nguyên liệu đầu vào chất lượng tốt mà không cần thế chấp với mức lãi suất ưu đãi.
Phát huy vai trò của người cán bộ Hội phụ nữ
Khi mới triển khai dự án, chị Nguyễn Thị Trâm cho biết, không ít người bày tỏ băn khoăn, cho rằng Hội Phụ nữ huyện chưa đủ khả năng để thực hiện một dự án lớn, phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều cơ quan ban ngành như vậy. Tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực của Hội LHPN huyện Văn Bàn, chị đã kết nối thành công quan hệ hợp tác giữa Công ty An Phước và 10 tổ nhóm mới thành lập. Chị Nguyễn Thị Trâm cũng thường xuyên sử dụng mạng xã hội để kết nối và cập nhật với các lãnh đạo tổ nhóm và các bên liên quan để đảm bảo hỗ trợ cho các chị em kịp thời khi cần thiết.
Thông qua thành lập các tổ sản xuất do phụ nữ lãnh đạo, kết nối bà con với doanh nghiệp và hướng dẫn về kĩ thuật, dự án Phát triển cây gai xanh của Hội Phụ nữ Văn Bàn được kì vọng sẽ xây dựng vùng trồng gai xanh rộng 500ha, mang lại thu nhập cao gấp 3-4 lần cho 3.550 chị em phụ nữ dân tộc Tày, Mông và Xa Phó tại Văn Bàn, Lào Cai. Từ thành công của dự án, chị Trâm mong muốn có thể phát triển hệ thống thị trường với sự tham gia của người thu nhập thấp, góp phần nâng cao vị thế kinh tế và xã hội của người phụ nữ trên địa bàn huyện, tỉnh.
Dự án Phát triển cây gai xanh đã và đang mang lại cơ hội việc làm, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, tăng thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững cho người phụ nữ dân tộc vùng cao.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn