Vốn là một người theo phong cách "sống xanh", tiêu dùng bền vững, Phạm Minh Hậu cho biết, cô quan sát và nhận ra rằng trong những ngày ở nhà phòng dịch Covid-19, các gia đình sử dụng nhiều mỡ, dầu ăn để chiên rán. Nhưng sau khi dùng xong, nhiều người đổ bỏ dầu mỡ thừa đi. Việc làm này không chỉ gây lãng phí mà còn có thể gây ô nhiễm môi trường.
Minh Hậu đã tìm cách tái chế, kéo dài vòng đời cho dầu ăn đã qua sử dụng bằng cách làm xà phòng. Lúc đầu, ý tưởng chỉ xuất phát từ nhu cầu cá nhân, ở quy mô gia đình nhưng khi chia sẻ với cộng đồng, Hậu đã nhận được sự quan tâm của đông đảo chị em có nhu cầu tái chế. Vì không có kho bãi, nhà xưởng để làm số lượng lớn nên dự án "Tái chế dầu ăn thành xà phòng" của Phạm Minh Hậu hướng tới hướng dẫn mọi người tự làm. "Đưa công thức để mọi người tự làm sẽ lâu bền hơn. Dần dần, dự án cũng hướng dẫn mọi người tự làm xà phòng tắm, gội cho gia đình để hạn chế tiêu dùng sản phẩm hoá chất", Minh Hậu chia sẻ.
Dự án cũng hướng tới tuyên truyền để các gia đình có thói quen sử dụng dầu ăn phù hợp, tránh để dầu dư mỗi lần sử dụng. Ở quy mô gia đình, việc thu gom dầu ăn thừa đủ để tái chế thành xà phòng sẽ mất nhiều thời gian, công sức. Bên cạnh đó, nếu quy trình thu gom, lọc bỏ cặn trong dầu không đúng cách sẽ ảnh hưởng đến việc làm xà phòng. Vì vậy, với những người không thể tự làm xà phòng tại nhà, dự án sẽ thu gom, tái chế và chuyển sản phẩm cho mọi người. Với quy mô nhà hàng, quán ăn, Minh Hậu cho biết, cô sẽ kết nối, hỗ trợ để thu nhận dầu ăn thừa.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, việc thu nhận dầu cũng khó khăn hơn nên Phạm Minh Hậu đang thành lập các điểm thu nhận và tái chế ở từng khu vực để thuận tiện và đảm bảo an toàn phòng dịch cũng như hạn chế các nguy cơ mất an toàn cháy nổ do dầu ăn gây ra. Sau khi thu gom, dầu sẽ được tái chế trong 1-2 tuần sau khi nhận và trả lại số xà phòng tương ứng. Khi gửi dầu đi, bạn cần thanh toán trước phí vận chuyển khi gửi dầu tới Trạm tái chế. Nhóm tự nguyện tái chế dầu thừa, tự cân đối chi phí nguyên liệu và thời gian, không kêu gọi đóng góp từ thiện từ cộng đồng, hay tổ chức nào tài trợ. Đây là cách Dự án chia sẻ trách nhiệm xã hội.
Kết nối các "nhà tái chế"
"Bắt tay vào làm Dự án này với ý tưởng sẽ thực hiện tùy theo sức của mình nhưng khi thực thi, mình đã thấy một hướng đi mới mẻ và ý nghĩa hơn. Đó là kết nối những người đang làm các sản phẩm tái chế hoặc chế ra những sản phẩm tự nhiên, thân thiện môi trường. Chúng mình hoàn toàn có thể kết nối với nhau và nâng cao chất lượng sản phẩm tái chế, hỗ trợ nhau, kết hợp các sản phẩm lại và đưa tới người dùng. Mình cũng mong muốn tại từng khu vực sẽ có các trạm tái chế vệ tinh, Dự án sẽ hỗ trợ đào tạo kiến thức làm xà phòng từ cơ bản tới nâng cao dành cho quy mô nhỏ, hộ gia đình. Với các sự kiện tái chế quy mô lớn hơn, các nhóm tái chế sẽ kết nối để cùng đồng hành. Từ những hoạt động kết nối này, những hoạt động tái chế, thói quen tiêu dùng bền vững sẽ được lan tỏa trong cộng đồng. Ý thức và trách nhiệm với môi trường sống cũng được nâng cao hơn", Minh Hậu bày tỏ.
Quy trình thu nhận dầu ăn thừa của Dự án "Tái chế dầu ăn thành xà phòng"
Bước 1: Tham gia nhóm bằng cách add zalo số 0961918579 hoặc link nhóm https://zalo.me/g/udxawe981 để được điều phối về các trạm tái chế gần bạn nhất.
Bước 2: Tích dầu tại gia đình: Lọc tạp chất trước khi cất trong hộp kín, nên phân loại dầu chiên rán đồ thực vật riêng, chiên đồ động vật riêng. Dầu gửi đi là dầu có thể tái chế được (đã lọc sạch, không mốc hỏng, không cháy khét...). Trước khi gửi dầu thừa, liên hệ trước với người điều phối và cung cấp thông tin về dầu, số lượng, tình trạng, khu vực của mình.
Dầu sẽ được tái chế trong 1-2 tuần sau khi nhận và bạn được trả lại số xà phòng tương ứng.
Nếu muốn tự tái chế dầu ăn thừa thành xà phòng tại gia đình, bạn có thể tham khảo hướng dẫn của Phạm Minh Hậu tại địa chỉ: https://phunuvietnam.vn/5-buoc-de-tai-che-mo-dau-an-thua-thanh-xa-phong-giat-rua-20210922094601979.htm
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn