Chị chủ nhiệm khởi nghiệp từ “nhiều không”

08:12 | 21/04/2020;
Chị Lương Thị Nhị (Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) là một trong những gương điển hình trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp thành công ở Bình Dương. Hiện nay, chị vừa là Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hiệp vừa là Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Hiệp Phát.

Từ thí sinh của hội thi "Ý tưởng khởi nghiệp"

Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hiệp, chị Lương Thị Nhị luôn quan tâm hỗ trợ phụ nữ khó khăn, phụ nữ nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Chị nhận thấy địa bàn xã không có khu công nghiệp, chỉ có vài công ty, xí nghiệp nhỏ lẻ. Trong khi đó, nguồn lao động của địa phương dồi dào, nhiều phụ nữ nhàn rỗi, không có việc làm ổn định.

Trước thực tế trên, chị Nhị đã trăn trở tìm ra giải pháp tốt nhất để hỗ trợ trực tiếp, tạo công ăn việc làm và thu nhập hàng tháng cho chị em. Sau khi suy nghĩ, chị quyết định xây dựng ý tưởng kinh doanh và tham gia hội thi "Ý tưởng khởi nghiệp" của Hội LHPN huyện Phú Giáo. May mắn, ý tưởng kinh doanh của chị đã được Hội đánh giá cao và được chọn là một trong những ý tưởng để hỗ trợ thực hiện.

Chị chủ nhiệm khởi nghiệp từ “nhiều không” - Ảnh 1.

Chị Lương Thị Nhị - Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Hiệp Phát (Phú Giáo, Bình Dương), gương nữ doanh nhân khởi nghiệp thành công

Chị Nhị bắt tay thực hiện mô hình khởi nghiệp hợp tác xã (HTX) may gia công với nhiều số không: Không kinh nghiệm trong ngành may mặc, không có kỹ thuật thiết kế rập và mẫu theo yêu cầu của khách hàng, không có thợ biết sử dụng máy cắt công nghiệp, không có người đi tiếp thị sản phẩm và tìm kiếm nguồn hàng...

Tự hiểu được những thách thức đối với bản thân nên chị Nhị đã cố gắng nỗ lực gấp đôi người khác. Chị Nhị cho biết, ngoài thời gian làm việc trên cơ quan Hội, chị dành hết thời gian cho công việc kinh doanh của mình, có hôm thức đến 1h sáng chị mới trở về nhà. Ngày nghỉ, chị lặn lội hơn 100 km để đi lên thành phố kiếm nguồn vải và nguyên vật liệu đáp ứng các đơn hàng.

Vất vả là thế, khó khăn là thế nhưng trong chị không cho phép bản thân được nản chí, phải vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm. Chị Nhị tâm sự: "Có hôm trở về nhà thấy nhà cửa bộn bề, con cái nheo nhóc vì thiếu bàn tay chăm sóc của người mẹ, chồng thay tôi gồng gánh việc nhà nhưng không thể chu toàn hết, tôi đã muốn buông xuôi và bỏ cuộc. Nhưng nghĩ lại, tôi lại cố gắng, phải thành lập hợp tác xã may cho chị em".

Chị chủ nhiệm khởi nghiệp từ “nhiều không” - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đến Chủ nhiệm HTX may gia dụng

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội LHPN huyện, chị Nhị tiếp tục vận động thêm 7 thành viên khác tham gia thành lập HTX may gia dụng Tân Hiệp Phát.

Đơn hàng đầu tiên mà HTX may gia dụng Tân Hiệp Phát nhận được là của một trường THCS trên địa bàn huyện. Thời điểm đó, xưởng may chưa có kỹ thuật phải chở xuống TP Bình Dương để in ấn.

"Việc in ấn phải phụ thuộc vào đối tác nên mất khá nhiều thời gian, trong khi học sinh đã vào học mà đồng phục chưa có. Các thầy cô giáo trong trường ngày nào cũng điện hỏi hàng. Nhiều hội viên, phụ nữ tham gia HTX thì mới học, tay nghề còn yếu nên sản phẩm bị lỗi nhiều, khách hàng không hài lòng. Lúc đó, tôi đã khủng hoảng tâm lý, nhiều đêm mất ngủ vì bị ám ảnh bởi những lời trách móc của khách hàng. Tuy nhiên, sau khi nghĩ về vai trò trách nhiệm là người đứng đầu dẫn dắt hoạt động của Hợp tác xã, tôi tự trấn an cần phải cố gắng, giữ vững niềm tin của chị em và lấy lại lòng tin của khách hàng", chị Nhị kể lại.

Trong cái khó ló cái khôn, chị thay đổi chiến lược kinh doanh bằng cách mua máy in về tại xưởng để chủ động trong việc in ấn, cử nhân viên đi đào tạo kỹ thuật cắt, lên rập, định lượng vải và in ấn...Sau 2 năm đi vào hoạt động, những khó khăn ban đầu từng bước đã được khắc phục.

Hiện nay, HTX hoạt động với hình thức nhận may đồng phục học sinh tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và đồng phục công nhân tại các công ty, xí nghiệp, nhà hàng, quán ăn... trong và ngoài tỉnh. Các đơn hàng sau khi nhận được, chị cùng với các thành viên trong Hợp tác xã thống nhất giao lại cho các hội viên mang về may gia công tại nhà, tạo điều kiện cho các chị vừa chăm sóc gia đình, con cái vừa kiếm thêm thu nhập.

HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 chị em trên địa bàn xã, thu nhập bình quân của các chị dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, trong thời điểm Covid-19, HTX đã nhận may khẩu trang số lượng lớn, giúp chị em có thêm thu nhập.

Chị Nhị tâm sự: "Có hôm, tôi đang đi trên đường nhìn thấy em học sinh mặc áo của xưởng mình may, lúc đó tôi vô cùng hạnh phúc và có thêm động lực để phấn đấu. Tôi và các chị em sẽ nỗ lực để làm phong phú mẫu mã sản phẩm, mang đến cho các em những sản phẩm tốt nhất".

Bạn đọc có nhu cầu đặt may gia công có thể liên hệ chị Lương Thị Nhị theo số điện thoại: 0973483155 hoặc đến liên hệ trực tiếp tại Hợp tác xã Tân Hiệp, tại xã Tân Hiệp (Phú Giáo, Bình Dương).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn