Chỉ có 1% số nghệ nhân được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định

12:08 | 26/06/2024;
Đến năm 2009, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa mới có quy định trợ cấp nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên mới chỉ có 20/1881 (khoảng 1%) nghệ nhân được hưởng hỗ trợ này.

Tiếp tục chương trình sáng 26/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Luật Di sản văn hóa được Quốc hội ban hành năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Sau hơn 20 năm thực hiện, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều thành tựu.

Tuy nhiên trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn và những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ vị trí, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đó là: Quan tâm hơn nữa đến việc tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể ở các vùng miền của đồng bào dân tộc, tiếp thu văn hóa thời đại, phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh quốc gia trong thời kỳ mới.

Góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Vân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, cho biết: Điều 13 của dự thảo Luật quy định các chính sách hỗ trợ nghệ nhân. Theo đại biểu, nghệ nhân được ví như báu vật nhân văn sống, sợi dây níu giữ các yếu tố văn hóa dân gian và là người giữ lửa cho di sản.

Chỉ có 1% số nghệ nhân được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định- Ảnh 1.

Quang cảnh kỳ họp

Tuy nhiên Luật Di sản văn hóa (2001) chưa quy định chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, đến năm 2009, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Di sản văn hóa quy định tại Điều 26, trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và ưu đãi đối với nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn.

Đến năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Nhưng theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản Văn hóa, từ khi Luật được ban hành đến nay chỉ có 20/1881 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu được hưởng chế độ này.

Với riêng Bắc Ninh, có một số chính sách riêng đãi ngộ nghệ nhân. Bắc Ninh có 203 nghệ nhân được tôn vinh, trong đó có 10 nghệ nhân nhân dân, 42 nghệ nhân ưu tú được nhà nước tôn vinh, 151 nghệ nhân được tỉnh phong tặng. Tỉnh cũng có chế độ hỗ trợ nghệ nhân nhân dân được trợ cấp hàng tháng bằng 2 lần lương cơ sở, nghệ nhân ưu tú băng 1,5 lần... hỗ trợ BHYT, mai táng phí...

Dự thảo luật lần này đã tiếp thu và có nhiều biện pháp mở rộng, có chế độ đãi ngộ với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, khắc phục hạn chế như quy định hiện hành là phải có điều kiện "người thu nhập thấp". Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung thêm "nghệ nhân dân gian" vào đối tượng được hưởng chính sách cùng nghệ nhân Nhân dân và nghệ nhân ưu tú vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Liên quan đến chế độ hỗ trợ mai táng đối với nghệ nhân khi qua đời, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng việc ban hành chế độ này là cần thiết nhằm ghi nhận, công lao, đóng góp, cống hiến của các nghệ nhân đối với các di sản văn hóa.

Chỉ có 1% số nghệ nhân được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định- Ảnh 2.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, thảo luận

Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, kiến nghị mở rộng chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa được quy định tại khoản 6 Điều 7, tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân nắm giữ và có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ nhân người dân tộc thiểu số ít người, sinh sống tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù trong việc phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống, đào tạo, truyền dạy người kế cận.

Làm rõ một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Nghệ nhân có vai trò to lớn trong bảo tồn, gìn giữ di sản, nên đã đề nghị Quốc hội có những chính sách hỗ trợ không dừng lại ở "người có hoàn cảnh khó khăn". Đồng thời khuyến khích các địa phương có thêm những chính sách riêng, bổ sung thêm những hỗ trợ cho nghệ nhân làm tốt hơn nữa công trong trao truyền, giảng dạy, lưu giữ các giá trị văn hóa.

Bên cạnh đó, vấn đề nguồn lực để thực hiện, bên cạnh nguồn lực từ Nhà nước, Bộ có đề xuất xây dựng, duy trì Quỹ để tạo thêm nguồn lực thực hiện việc hỗ trợ, bảo tồn các giá trị văn hóa.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn