“Chỉ có con cho tủy mới có thể cứu được chị thôi”

00:12 | 03/08/2015;
Ánh có mái tóc dài, rất dày. Biết khi truyền hóa chất, tóc sẽ rụng nên cháu đã nói mẹ mua một chiếc mũ len để đội cho... đỡ xấu.

Trước khi điều trị, các bác sĩ nói với Ánh nên cắt tóc, để tránh tóc rụng trông sẽ xơ xác. Bác sĩ thuyết phục mấy lần, cháu mới chịu. Tối đầu tiên cắt tóc xong, Ánh khóc ướt hết cả gối...

Nuôi tủy em để hiến cho chị

Cháu Trần Ngọc Ánh (9 tuổi, ở thôn Đặng Xá, Cương Chính, Tiên Lữ, Hưng Yên) được phát hiện suy tủy nặng từ tháng 10/2012. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu đã được làm xét nghiệm hòa hợp mô và được tìm thấy hòa hợp mô với em ruột là Trần Ngọc Giang, 6 tuổi. Nếu được ghép thì Ánh có cơ hội khỏi bệnh nhưng ca ghép chưa được thực hiện vì chưa đủ kinh phí. Từ đó, Ánh đã phải đến truyền hồng cầu và tiểu cầu nhiều lần để duy trì cuộc sống, chờ cơ hội ghép tế bào gốc tạo máu.

Khi biết được thông tin về cháu Ánh, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương lúc đó đang thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu cho trẻ em và có khả năng quyên góp kinh phí để thực hiện. Vì thế, cháu Ánh đã được chuyển sang đây để ghép.

Nhớ lại lúc Giang hiến tủy cho chị gái, chị Phạm Thị Lý, mẹ của 2 bé, kể: “Nhiều cháu bị bệnh như Ánh không được ghép tủy đã không qua khỏi. Giang là người có tủy phù hợp nhất nhưng lại quá nhỏ bé, gầy gò. Nhiều người trong gia đình gàn không cho Giang hiến tủy, vì sợ nếu không thành công thì sẽ mất cả 2 cháu. Nhưng vợ chồng tôi sau khi tham khảo kỹ ý kiến của các bác sĩ và biết rằng cho tủy cũng giống như một lần cho máu nên quyết định động viên Giang. Cháu Giang còn quá nhỏ, chưa hiểu được nhiều chuyện nhưng khi mẹ nói: “Chỉ có con cho tủy thì mới có thể cứu được chị thôi”, cháu đã đồng ý ngay.

Việc lấy tủy xương của em để truyền cho chị khá khó khăn, vì cháu Giang tuy đã 6 tuổi nhưng mới nặng 16kg. Trong khi đó, Ánh lại khá nặng ký nên các bác sĩ phải lấy nhiều tủy xương của cháu Giang mới có thể đủ số lượng tế bào gốc tạo máu để ghép. Những hôm ở bệnh viện nuôi tủy, ngày nào Giang cũng cố gắng ăn nhiều hơn để có sức khỏe tốt, hiến tủy cho chị. Một ngày trong tháng 3 vừa qua, sau 1 giờ gây mê, các bác sĩ đã lấy đủ số lượng 300ml tủy của Giang. Sau đó tách tế bào gốc tạo máu để truyền cho Ánh.

Nhóm máu của Ánh là nhóm O, trong khi đó Giang mang nhóm máu A. Khi ghép ca không phù hợp nhóm máu như thế, các bác sĩ cần xử lý loại hồng cầu. Phải mất 4 tiếng, việc loại hồng cầu mới hoàn tất và các bác sĩ mới có thể tiến hành ghép cho Ánh. Sau 10 ngày ghép, sức khỏe của Ánh đã ổn định, số lượng bạch cầu bắt đầu tăng dần.

 “Mong được ôm em Giang ngủ!”

Giờ đây, khi bệnh đã lui, Ánh thường nói với mẹ: "Con khỏi bệnh, lần sau lên viện sẽ không ai nhận ra con vì tóc con lại mọc dài ra. Khi nào lớn, con sẽ xây nhà to cho bố mẹ và em ở, chứ không phải nhà bé như bây giờ”.

Sau ghép hơn 2 tháng, Ánh đã tạm thời được ra khỏi phòng vô trùng hoàn toàn. Thế nhưng, cô bé vẫn phải hạn chế tiếp xúc và chỉ được phép ra khỏi buồng bệnh, đi dọc hành lang vài phút mỗi ngày, vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Ngay chiếc điện thoại mà mỗi ngày Ánh cầm, mẹ Lý cũng phải thường xuyên lau để hạn chế nhiễm khuẩn cho người bệnh. Lúc đi ngủ, không chỉ có Ánh mà mà cả mẹ cháu nằm ở gần đó cũng phải đeo khẩu trang để tránh lây chéo bệnh.

Có hôm Ánh hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con khỏi bệnh rồi, sau này có lấy chồng, đẻ con được bình thường không?”. Chị Lý giật mình, bởi sao đứa bé mới 9 tuổi có thể nghĩ xa được như vậy? Hóa ra trước đó, Ánh có nghe các bác sĩ nói người mắc một số bệnh máu có tính chất di truyền thì trước khi lập gia đình và đẻ con cần được tư vấn để tránh sinh ra những đứa con không khỏe mạnh.

Hơn 1 tháng nằm viện để hồi phục sau khi ghép tủy, chị em Ánh - Giang mới được gặp nhau 2 lần. Mỗi lần gặp cũng chỉ được một lát. Lần đầu nhìn nhau qua cửa kính buồng bệnh, lần sau được ngồi cạnh nhau dăm phút, rồi Giang lại phải chia tay chị. Hiện Ánh vẫn chưa được về nhà. Trong tâm trí cô chị lúc nào cũng nhớ em gái, đếm từng ngày chờ được xuất viện. Ánh nói với các cô chú ở bệnh viện mong mỏi của mình: “Cháu chỉ mong được ôm em Giang ngủ thôi. Ở nhà cháu chỉ có 1 cái giường. Bình thường, mẹ, cháu và em Bin 3 tuổi được ưu tiên ngủ trên giường. Còn bố Khuyến và em Giang phải ngủ ở dưới đất”.

Em Trần Ngọc Ánh những ngày truyền hóa chất

 


Bác sĩ Vũ Quang Hưng (Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương)

Suy tủy hay còn gọi là suy tủy xương là tình trạng giảm sinh, suy giảm chất lượng các dòng tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) ở tủy. Ban đầu, bệnh nhân thường mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, đau mình mẩy, kéo dài vài tuần tới vài ba tháng; sau đó có thể có từng đợt sốt cao do nhiễm khuẩn. Hiện tượng xuất huyết dưới da, chảy máu cam cũng thường thấy.

Người bệnh bị thiếu máu, da xanh, nhợt nhạt. Mức độ thiếu máu biểu hiện từ từ, khó hồi phục. Nhưng đôi khi, triệu chứng bệnh diễn ra rầm rộ, thường do ngộ độc tủy xương. Ngoài ra có các biểu hiện xuất huyết chấm, nốt, mảng bầm máu ở da, chảy máu ở niêm mạc, có thể ở nội tạng. Nếu biểu hiện trên não, bệnh nhân có thể đau đầu từng cơn, lơ mơ nói sảng, co giật và mắt trợn ngược.

Bệnh được chẩn đoán sớm thì có cơ hội chữa tốt hơn và tránh những biến chứng nặng. Hiện điều trị cho bệnh suy tủy rất khó khăn, thường kết hợp nội khoa (dùng thuốc nội tiết tố, điều trị triệu chứng, điều trị theo nguyên nhân và điều trị ức chế miễn dịch) và ngoại khoa (điển hình là cắt lách và ghép tủy xương). Ghép tủy xương là phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay nhằm mục đích phục hồi khả năng tạo máu. Tuy nhiên, chi phí điều trị khá cao, đây là rào cản lớn với nhiều người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo.

Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vừa thành công trong ca ghép tế bào gốc (ghép tủy) thứ 100 cho bị suy tủy nặng. Đó chính là ca ghép cho cháu Trần Ngọc Ánh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn