Trả lời qua mạng xã hội, chị Nguyễn Thị Nhung, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa, cho biết chị làm việc tại Malaysia được gần 2 năm. Trước khi đi, chị cũng được ký hợp đồng và có đầy đủ các khoản đóng BHXH. Tuy nhiên, khi sang Malaysia , hợp đồng lại không khớp, không thấy được hưởng quyền lợi bảo hiểm gì.
Chị Nhung chia sẻ: Lao động xa nhà, sống nơi đất khách quê người cực khổ trăm bề. "Đau ốm, cảm cúm thì tự đi khám ở trung tâm y tế, tự mình mua thuốc, không được BHYT trả. Mệt nhẹ thì quản đốc nơi đây cho nghỉ ở văn phòng một vài tiếng. Còn ngày nghỉ, không may đau ốm thì phải cố gượng ra hiệu thuốc hoặc đi khám mà toàn bộ chi phí phải tự bỏ ra". Không thông thuộc ngôn ngữ nơi đây nên bản thân chị cũng không biết đến cơ quan nào để phản ánh về các quyền khám chữa bệnh, mua thuốc có bảo hiểm.
Trên thực tế vẫn tồn tại sự không công bằng trong việc tham gia và hưởng BHXH của lao động nữ di cư. Theo Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng - GFCD, các nữ lao động di cư đi làm việc ở nước ngoài đã về nước, cho thấy họ đều là lao động theo hợp đồng tạm thời. Ngoài mức lương phổ biến 7-10 triệu đồng, cũng có nữ lao động hưởng mức thu nhập đến 15 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ các khoản tiền phải đóng như tiền bảo hiểm xã hội, tiền bảo hiểm y tế...
Tuy nhiên, nữ lao động di cư làm việc ở nước ngoài thường sống trong điều kiện thiếu thốn, chật chội. Nỗi sợ lớn nhất của nữ lao động di cư là bị ốm. Ốm sẽ bị trừ lương; ở nước sở tại, họ không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Tiền mua thuốc, chi phí điều trị sẽ trở thành gánh nặng trong khi khi tiền lương vốn không nhiều.
Tại hội thảo mới đây, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hằng năm, từ khoảng 500 nghìn người những năm 2010, đến nay tăng lên khoảng 580 nghìn người tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Các thị trường truyền thống như: Đài Loan (Trung Quốc); Nhật Bản; Hàn Quốc; Malaysia ... Lao động tập trung các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo (cơ khí, may mặc, giày da, lắp ráp điện tử), giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản...
Mặc dù số lao động ở nước ngoài tới 580 nghìn người nhưng theo BHXH Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới chỉ là gần 9.000 người.
Qua đó cho thấy, tỷ lệ người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc còn thấp hơn nhiều so với tiềm năng; cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật Bảo hiểm xã hội là đối tượng này thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đó, mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Về phương thức đóng, người lao động có thể đóng 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng 1 lần hoặc đóng một lần cho cả quãng thời gian đi làm việc ở nước ngoài.
Cách thức đóng, có thể đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua công ty, tổ chức sự nghiệp đưa bạn đi làm việc ở nước ngoài.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn