Cơ cấu phát triển kinh tế của huyện là lâm, nông nghiệp, công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ, trong đó kinh tế lâm, nông nghiệp là chủ đạo. Là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), với 18.809 người đồng bào DTTS chiếm 80,57%, 5 dân tộc chính là: Kinh, Tày, Dao, Sán Chỉ, Cao Lan. Dân tộc Tày trên địa bàn huyện là 3.636 người, chiếm tỷ lệ 15,67% dân số, sinh sống, cư trú chủ yếu ở các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm.
Một thời nói đến Ba Chẽ, mọi người hình dung đó là huyện khó khăn, nghèo nhất của tỉnh Quảng Ninh. Trong những năm trở lại đây, cùng với sự năng động, sáng tạo, đoàn kết và truyền thống anh hùng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ đã và đang phát triển mạnh mẽ, hòa mình vào sự phát triển đi lên của tỉnh Quảng Ninh. Dân tộc Tày nói chung, phụ nữ Tày nói riêng tại đây cũng có những chuyển biến tích cực.
Bà Phạm Thị Thuỳ Trang – Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đã có những chia sẻ về những chuyển biến này.
Xin bà cho biết những năm qua, phụ nữ Tày tại địa phương đã có suy nghĩ, cách làm như thế nào để nâng cao đời sống kinh tế?
Kinh tế chính của người Tày trên địa bàn huyện là kinh tế nông, lâm nghiệp. Hiện nay, với sự cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và tiếp thu khoa học kỹ thuật mới rất nhanh nên người phụ nữ người dân tộc Tày đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh tạp hóa nhỏ, dần phát triển thành mô hình quy mô, vốn đầu tư cao… Với tinh thần không ngại khó, ngại khổ, chịu khó học hỏi kinh nghiệm dần dần kinh tế của người Tày phát triển tương đối cao, cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh nghề rừng. Với sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện, sự hội nhập kinh tế mới, người dân tộc Tày dần chuyển đổi kinh tế theo hướng dịch vụ, hàng hóa và kinh doanh nhỏ.
Từ việc chủ động được kinh tế, chị em dân tộc Tày không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chăm sóc con cái, có vị trí trong gia đình hơn, điều đó được thể hiện như thế nào tại huyện Ba Chẽ?
Chị em đã thay đổi từ những người phụ nữ nhút nhát, rụt rè, bây giờ chị em đã mạnh dạn chia sẻ hơn, tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội, đoàn thể để nâng cao kiến thức xã hội, quyền năng cho bản thân mình, biết cách phát triển kinh tế hộ gia đình, biết thành lập các mô hình kinh tế quy mô lớn, vốn đầu tư cao. Từ đó, chị em đã nâng cao được đời sống của gia đình mình, đã thoát được nghèo hoặc từ hộ trung bình lên hộ khá. Bên cạnh đó, chị em còn biết chia sẻ các công việc nhà với chồng, biết giảm thời gian làm việc nhà của mình.
Hội LHPN huyện Ba Chẽ đã có những giải pháp nào để giúp chị em dân tộc Tày thay đổi thói quen, xóa bỏ hủ tục, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", thực hiện mục tiêu bình đẳng giới với phụ nữ và trẻ em DTTS của dân tộc Tày?
Xác định phương châm "Mưa dầm thấm lâu", Hội đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp, nhất là thông qua sinh hoạt Hội, sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể thao, nhóm nhỏ, sử dụng hình ảnh trực quan, thăm gặp trực tiếp hộ, qua loa đài bằng tiếng địa phương...; Tuyên truyền lợi ích khi tham gia vào Hội, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con tốt, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao,... Từ các cách làm, hình thức tiếp cận, truyền thông trên, đã giúp cho Hội thuận lợi trong tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số nói chung, phụ nữ dân tộc Tày nói riêng tham gia tổ chức Hội và trang bị kiến thức, phát huy quyền làm chủ của phụ nữ trong gia đình, xã hội, tích cực tham gia các hoạt động của Hội. Bên cạnh đó, Hội chăm lo đến lợi ích thiết thân của chị em, tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn chị em kiến thức, nguồn lực, dự án... hỗ trợ phát triển kinh tế.
Việc thực hiện bình đẳng giới của Ba Chẽ với phụ nữ dân tộc Tày được thể hiện cụ thể như thế nào. Thưa bà?
Tại Ba Chẽ, việc thực hiện Luật Bình đẳng giới đối với phụ nữ các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung và đối với nữ dân tộc Tày được cụ thể hóa qua các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về sự tiến bộ của phụ nữ, về bình đẳng giới, phù hợp với tình hình thực tiễn của huyện và đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện; bố trí kinh phí, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.
- Tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, trong đó tập trung các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình Quốc gia về bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ. Tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, vai trò tham gia, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện bình đẳng giới. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ.
- Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới trên các lĩnh vực có liên quan. Thực hiện lồng ghép các nội dung bình đẳng giới trong xây dựng chính sách và các chương trình, đề án, dự án, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ dân tộc Tày vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp.
- Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm: Tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ người DTTS đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động được triển khai thực hiện thông qua nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội như: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới,...
Cảm ơn bà về buổi trò chuyện này!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn