Đeo một sợi dây chun ở cổ tay có vẻ rất tiện dụng cho chị em, bởi họ có thể dùng nó để buộc tóc lên bất cứ lúc nào. Nhất là vào mùa hè nóng nực, đôi khi bạn chỉ muốn cột tóc thật gọn gàng mà kiếm được sợi dây thun buộc tóc lại không phải là điều dễ dàng. Thế nên, cứ đeo dây chun buộc tóc ở cổ tay là tiện mọi đường.
Thế nhưng, từ góc độ sức khỏe, các bác sĩ phải khuyến cáo rằng chị em tuyệt đối đừng bao giờ đeo dây thun, dù là dây thun buộc tóc ở cổ tay. Lý do là vì nó có thể tăng những rủi ro nguy hiểm đến sức khỏe của bạn bất kì lúc nào.
Theo thông tin trên Cbsnews, Audree Kopp có thói quen đeo dây thun buộc tóc ở trên cổ tay mọi lúc mọi nơi. Cô cho biết mình cũng không suy nghĩ gì nhiều về thói quen này để rồi sau đó chính điều này đã khiến cô suýt chút nữa thì bị nhiễm trùng huyết.
Ban đầu, Audree nhận thấy có một vết sưng ngày càng lớn trên cổ tay. Tình trạng sưng ngày càng tồi tệ và Audree được bác sĩ kê thuốc kháng sinh để uống. Nhưng vết sưng vẫn tiếp tục phát triển, vì vậy cô đã đến bệnh viện và được biết phẫu thuật khẩn cấp. Hóa ra, cô có một ổ áp-xe lớn ở phía sau cổ tay.
Bác sĩ phẫu thuật cho cô, Amit Gupta tại NortonCare, cho biết, vi khuẩn từ chiếc dây thun buộc tóc của Adree có khả năng đã xâm nhập vào cơ thể qua lỗ chân lông và nang lông của da, gây ra tình trạng nhiễm trùng. Rất may là Audree đã được phẫu thuật kịp thời chứ không cô có thể sẽ bị nhiễm trùng huyết.
Mặc dù khả năng nhiễm trùng như của cô Audree Kopp rất hiếm, nhưng các bác sĩ vẫn khuyên bạn không nên đeo dây buộc tóc ở cổ tay, nhất là khi dây quá chặt và càng không nên đeo trong thời gian dài. Giặt dây buộc tóc thường xuyên cũng giúp loại bỏ vi khuẩn trên đó một cách đáng kể.
Nói đến chuyện "không đeo dây chun buộc tóc ở cổ tay", nhiều người sẽ cho rằng là vì như thế không phong cách chút nào. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn chọn đeo vòng đeo tay hoặc đồng hồ, vừa hiện đại lại thanh lịch. Thế nhưng, bạn có biết không, ngoài chuyện ảnh hưởng đến phong cách thì thói quen đeo dây chun buộc tóc ở cổ tay lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng theo 2 cách sau:
Dẫn đến nhiễm trùng da
Chuyên gia về mạch máu và phóng xạ Adam Gropper, chủ sở hữu của trang Vivid Vein cho biết, làn da của bạn là lớp bảo vệ lớn nhất của cơ thể chống lại vi trùng. Nhưng một khi da bị tổn thương thì khả năng bảo vệ sẽ bị kém đi.
Đeo dây buộc tóc mềm ở cổ tay có thể sẽ không gây ra nhiều thiệt hại cho da nhưng nếu là dây buộc tóc óng ánh, bằng kim loại hay có góc cạnh thì rất có thể tạo ra những vết xước nhỏ trên da, từ đó "mở ra cánh cửa" cho vi khuẩn đi vào cơ thể.
Tiến sĩ Gropper cho biết, bất cứ thứ gì trên dây buộc tóc phá vỡ rào cản của da, dù chỉ một chút, cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Đối với các vết xước lớn, nguy cơ nhiễm trùng càng cao.
Bên cạnh đó, bởi vì bạn thường xuyên sử dụng dây buộc tóc nên chúng sẽ nhiễm tất cả các loại vi khuẩn. Ngay cả chun buộc tóc mới cũng không đảm bảo an toàn. Nên khi đeo ở tay có nghĩa là các vi khuẩn gây bệnh luôn "rình rập" để xâm nhập vào cơ thể bạn bất kì lúc nào.
Ảnh hưởng đến lưu thông máu
Tiến sĩ, bác sĩ Faisal Tawwab, một bác sĩ gia đình tại Mỹ cho biết, đeo một chiếc dây buộc tóc chặt ở cổ tay có thể gây ra các vấn đề về lưu thông trong cơ thể. Đeo dây buộc tóc ở cổ tay được coi là chặt nếu như nó để lại vết lõm trên da hoặc không thể trượt lên xuống hay tuột khỏi cổ tay bạn.
Với sự đàn hồi liên tục ấn vào cổ tay, máu của bạn cùng với các tế bào miễn dịch và oxy trong cơ thể sẽ khó lưu thông. Đặc biệt nếu bạn đang bị thương, cần máu, oxy và tế bào miễn dịch để chữa lành vết nhưng mà những thứ này "đến chậm" thì việc chữa trị sẽ bị chậm trễ, vết thương sẽ lâu lành hơn. Tất cả những điều này có thể góp phần gây ra bệnh nhiễm trungnf, tiến sĩ Gropper cho biết.
Vậy nên, đừng bao giờ đeo dây buộc tóc ở cổ tay. Còn nếu việc này là cần thiết tại một số thời điểm thì bạn nên chọn loại dây không có khả năng gây tổn thương da, đeo rộng rãi và nhớ là luôn phải làm sạch chúng, nhất là sau mỗi lần buộc tóc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn