Giữ đủ nước là chìa khóa cho nhiều yếu tố sức khỏe, từ việc đảm bảo chức năng tiêu hóa, vận động... thì uống đủ nước có thể giúp thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả. Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn tại sao uống nước lại giúp một người giảm cân nhưng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ tích cực của việc tăng lượng nước tiêu thụ với quá trình giảm cân.
Dưới đây là những tác dụng của việc uống nước đối với việc giảm cân, ngay cả khi đó chỉ là một cốc nước lọc. Lưu ý rằng, bạn có thể tạo thêm một chút hương vị cho cốc nước lọc nhàm chán của mình bằng một số thực phẩm như chanh tươi, lá bạc hà, quế... và cần tránh thêm đường hay các chất làm ngọt - yếu tố có thể khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn.
Khi dạ dày cảm thấy no, nó sẽ phát tín hiệu tới não để ngừng tiết hormone thèm ăn. Nước có thể chiếm một không gian lớn trong dạ dày và tạo ra cảm giác no. Hơn nữa, có nhiều người gặp phải tình trạng nhầm lẫn giữa cơn đói và cơn khát, nhất là khi đang giảm cân. Do đó mà uống một cốc nước có thể giúp loại bỏ cảm giác "giả" này.
Bên cạnh đó, khi bạn uống một cốc nước lọc thay vì các loại đồ uống nhiều calo và đường khác, bạn đang giảm lượng calo tiêu thụ một cách tự nhiên.
Một nghiên cứu năm 2014 trên NCBI với 50 phụ nữ ở tình trạng thừa cân tham gia đã uống 500 ml nước trước bữa ăn 30 phút vào 3 bữa sáng, trưa và tối trong 8 tuần liên tiếp. Kết quả cho thấy họ đã giảm được cả cân nặng, lượng mỡ và chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng như giảm cảm giác thèm ăn một cách đáng kể.
Một nghiên cứu khác năm 2018 trên NCBI thì cho thấy việc uống nước chỉ giúp giảm cảm giác đói và ăn ít hơn nếu người uống có chỉ số BMI ở mức trung bình nên chưa rõ hiệu quả uống nước trong việc giảm cân đối với người bị thừa cân hay béo phì.
Theo Medical News Today, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, uống 500 ml nước lạnh có thể giúp đốt cháy thêm từ 2 - 3% calo trong vòng 90 phút kể từ thời điểm sau khi uống nước. Đồng thời nước cũng giúp tăng tạm thời mức năng lượng tiêu hao khi nghỉ ngơi của cơ thể.
Trong một nghiên cứu năm 2023 trên NCBI đã phát hiện ra rằng, uống 200 - 250 ml nước ấm sau mỗi bữa ăn cũng có thể giúp giảm cân nhiều hơn và có chỉ số BMI thấp hơn so với nhóm không uống nước.
Nói cách khác, uống nước có nhiệt độ khác với nhiệt độ phòng dường như kích thích quá trình sinh nhiệt trong cơ thể, khiến cơ thể phải tiêu tốn năng lượng để đưa lượng nước mà bạn uống về đến nhiệt độ bằng với nhiệt độ cơ thể. Và, cơ thể tiêu tốn càng nhiều năng lượng thì quá trình trao đổi chất diễn ra càng nhanh.
Tất nhiên là những tác động của quá trình sinh nhiệt sẽ không tạo ra thâm hụt calo một cách đáng kể để dẫn tới giảm cân nhưng điều quan trọng vẫn là uống nhiều nước hơn một chút hầu như không gây ra bất lợi nào cho sức khỏe.
Khi mất nước, cơ thể sẽ không thể loại bỏ chất thải như nước tiểu ra bên ngoài. Mất nước cũng có thể khiến phân cứng hơn, giảm nhu động ruột và tăng nguy cơ táo bón.
Trong khi đó, uống nước giúp thận và đường ruột loại bỏ độc tố và chất thải dễ dàng hơn mà vẫn giữ lại các chất dinh dưỡng và chất điện giải quan trọng đồng thời giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại ra khỏi đường tiết niệu và ngăn ngừa sỏi thận.
Còn khi bị mất nước, thận sẽ giữ lại chất lỏng và nhu động ruột cũng kém hơn ảnh hưởng tới đào thải phân. Đây cũng là lý do mà người bị tiêu chảy hay khó tiêu cần được bổ sung nước để giảm nguy cơ mất nước và giảm các triệu chứng đầy hơi, sưng tấy và mệt mỏi.
Như đã nói ở trên, thay vì uống các loại đồ uống chứa calo rỗng như soda hay các loại nước uống có đường khác thì nước lọc hoặc các loại trà thảo mộc không calo là một lựa chọn thay thế hoàn hảo và nên được ưu tiên.
Trong một nghiên cứu năm 2015 trên NCBI thì nữ giới tham gia đã uống 250 ml nước sau bữa trưa mỗi ngày, kéo dài liên tục trong 24 tuần cho thấy họ đã giảm được 13,6% cân nặng so với những người trong cùng nghiên cứu được uống một loại đồ uống ăn kiêng cũng sau bữa trưa.
Nếu không có nước, cơ thể không thể chuyển hóa chất béo hoặc carbohydrate dự trữ một cách hiệu quả. Quá trình chuyển hóa chất béo được gọi là lipolysis, là quá trình phá vỡ các tế bào mỡ trong cơ thể và bước đầu tiên của quá trình này là thủy phân, xảy ra khi các phân tử nước tương tác với triglyceride để tạo ra glycerol và axit béo.
Như vậy, uống đủ nước là rất cần thiết để đốt cháy chất béo từ thức ăn và đồ uống cũng như chất béo dự trữ.
Một trong những nguyên tắc quan trọng để giảm cân hiệu quả là kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện. Nước hòa tan chất điện giải - khoáng chất bao gồm natri, kali và magie - và phân phối chúng khắp cơ thể từ đó giúp cơ, mô liên kết và khớp chuyển động trơn tru cũng như giúp phổi, tim và các cơ quan khác hoạt động hiệu quả hơn trong quá trình tập luyện thể dục.
Bên cạnh đó, uống đủ nước cũng giúp giảm nguy cơ chấn thương khi tập luyện bao gồm: Chuột rút cơ và mệt mỏi.
Ngược lại, khi các tế bào cơ bị mất nước, chúng sẽ phân hủy protein nhanh hơn và xây dựng cơ chậm hơn, do đó quá trình tập luyện sẽ kém hiệu quả hơn nhiều. Hơn nữa, cơ thể mất nước nhanh hơn trong quá trình tập thể dục vì nó tạo ra nhiệt truyền đến bề mặt da, nơi mồ hôi và quá trình bốc hơi sau đó (một quá trình làm mát) giúp điều chỉnh nhiệt độ. Nếu cơ thể không thể thải nhiệt dư thừa qua mồ hôi, bạn đang tự đặt mình vào tình trạng kiệt sức vì nóng hoặc tệ hơn.
Tốt nhất, hãy uống nước cả trước, trong và sau khi tập thể dục; đặc biệt là khi môi trường tập nóng ẩm.
Nhiều người khuyên rằng nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày là đủ, tuy nhiên cho tới hiện tại, chưa có mối liên hệ cụ thể nào giữa việc uống lượng nước cụ thể này hàng ngày với việc giảm cân ở thanh thiếu niên bị thừa cân hoặc béo phì.
Ngoài ra, nhu cầu về lượng nước phụ thuộc vào từng tình trạng khác nhau ở mỗi người, bao gồm: Giới tính, tuổi tác, thể trạng sức khỏe, mức độ vận động... Nhưng cần lưu ý, nếu thấy da khô, nước tiểu sẫm màu hoặc cảm thấy mệt mỏi bất thường, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước nhẹ và cần uống nhiều nước hơn để loại bỏ tình trạng này.
Theo Healthline, nam giới nên uống 3 lít nước (tương đương với 13 cốc) và nữ giới nên uống 2,2 lít nước (tương đương với 9 cốc) mỗi ngày - nhiều hơn lượng nước khuyến nghị để tăng cảm giác no, giảm cơn đói và hỗ trợ giảm cân. Lượng nước này bao gồm cả nước uống và nước nhận được từ các loại thực phẩm chẳng hạn như nước canh, súp, các loại quả mọng như nho, dưa hấu, cà chua, cần tây, dưa chuột, rau diếp.
Một số loại đồ uống có thể gây mất nước bao gồm đồ uống có cồn, chứa caffeine và có đường nên không được tính vào lượng chất lỏng tiêu thụ hàng ngày của một người.
Mặc dù uống đủ nước có thể hỗ trợ giảm cân nhưng không có nghĩa là uống càng nhiều nước càng tốt. Uống quá nhiều nước có thể gây ngộ độc nước đặc biệt nguy hiểm với các triệu chứng lú lẫn, mất phương hướng, buồn nôn và nôn, tăng huyết áp, nhịp tim chậm, ngoài ra còn có những thay đổi về trạng thái tinh thần và các triệu chứng loạn thần. Nếu không chắc chắn về lượng nước cần uống, hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.
Cuối cùng, nhiều người giảm cân tìm đến phương pháp giảm cân bằng nước (hay chỉ uống nước để giảm cân) nhưng nếu không có sự giám sát y tế thì phương pháp này không an toàn và không được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên dùng bởi nó có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng đe dọa tới tính mạng như thiếu natri và phù não. Hơn nữa, cân nặng giảm được theo phương pháp này có thể chỉ là giảm nước. Ăn uống cân bằng và duy trì hoạt động thể chất vẫn là những nguyên tắc giảm cân bền vững và an toàn hơn về lâu dài.
Ngoài những lợi ích của việc uống nước để giảm cân kể trên thì uống đủ nước cũng giúp làn da khỏe mạnh, tươi sáng hơn; tăng cường trí não và giảm căng thẳng; điều hòa huyết áp...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn