Khoảng năm 1970-1971, bà Trần Thị Lan và bà Nguyễn Thị Hồng Lệ được sinh cùng lúc tại một bệnh viện ở Nha Trang. Người mẹ ruột là bà Phan (hoặc Phạm) Thị Đào (SN 1954, quê Vĩnh Long) - năm đó mới 16 tuổi đã đem cho hai đứa con. Hai chị em Lan, Lệ từ ngày đó mỗi người một ngả.
Từ năm 1971-1973, bà Lan (chị gái) được chuyển tới sống và dạy dỗ tại Cô nhi viện Tin Lành Nha Trang. Còn bà Lệ (em gái) được một gia đình sản phụ trong viện nhận nuôi rồi từ đó về Đồng Nai ở.
Cuộc đời của 2 người phụ nữ trải qua nhiều mốc thăng trầm, với nghịch cảnh trái ngược. Nếu như bà Lệ được gia đình nhận nuôi cho ăn học đầy đủ, sống một đời êm ả thì số phận bà Lan lại vất vả hơn.
Bà Lệ - bà Lan tìm thấy nhau sau 30 năm thất lạc
Khoảng năm 1975 - 1982, bà Lan được chuyển tới Cô nhi viện Mỹ Tho rồi được một gia đình ở Cái Bè, Tiền Giang nhận nuôi. Nhưng ngặt nỗi, gia đình họ đông con, khó có thể lo chu toàn cho đứa trẻ. Bà Lan phải ra ngoài làm đủ nghề, bươn chải từ sớm.
Năm 12, 13 tuổi, bà xin vào nấu cơm, làm thuê trong một xưởng gỗ. Thấy đứa bé loắt choắt, dáng nhanh nhẹn, gia đình ở xưởng gỗ thương tình nên ngỏ ý muốn nhận bà Lan làm con nuôi. Từ ngày đó, bà sống trong tình yêu thương, vẹn tròn của cả 2 gia đình ở huyện Cái Bè, được ba mẹ nuôi 2 bên cho ăn học, khi lớn lại giúp dựng vợ, gả chồng. Bà không hề biết tới việc mình còn một người em gái sinh đôi thất lạc cho tới khi có cuộc trùng phùng kỳ diệu vào năm 2000.
Thời điểm đó, gia đình bà Lan sinh sống ở Quốc lộ 1A, đoạn đi Tiền Giang. Có một người đàn ông tới gõ cửa nhà, hỏi bà có muốn bỏ mối cà phê bán cho khách không? Bà Lan vẫn nhớ như in cuộc hội thoại kỳ lạ hôm đó.
"- Người đàn ông: Ủa chị Lệ? Sao chị lại ở đây?
- Bà Lan: Lệ nào, tôi tên là Lan.
- Người đàn ông: Chị nhìn y chang chị Lệ hàng xóm nhà tôi. Nếu chị không tin, để tôi về lấy hình rồi có gì tôi đưa chị coi!".
Lời nói kỳ quặc của người đàn ông bỏ mối cà phê không khiến bà Lan bận tâm. Thậm chí bà còn nghi hoặc người này có ý đồ lừa đảo, tuy nhiên bà vẫn cho người đàn ông số điện thoại bàn của gia đình.
Về phía bà Lệ, được gia đình ở Đồng Nai tử tế nhận nuôi, bà sống một đời an nhàn. Đến năm 16 tuổi, bà bất ngờ được mẹ nuôi tiết lộ: "Con ơi, con còn một người chị gái sinh đôi nữa. Sau này má có mất, nếu con ra đường mà gặp ai có ngoại hình y chang con, thì đó chính là chị hai của con đó".
Bí mật đó khiến bà Lệ thôi thúc ý định tìm lại chị ruột. Nhưng mọi thông tin đều mù mờ, giấy tờ đã mất hết, cuộc sống cơm áo gạo tiền bộn bề khiến cuộc tìm kiếm rơi vào bế tắc.
Cho đến năm 2000, khi người đàn ông bỏ mối cafe trở lại Đồng Nai, nói với bà Lệ rằng ở dưới miền Tây có người phụ nữ giống bà y chang từ khuôn mặt, mái tóc, là con gái của ông Ba Cầm… Bà Lệ hỏi, đứa con gái đó là con nuôi hay con ruột? Câu trả lời "con nuôi" khiến bà mừng khấp khởi trong lòng, nhen nhóm hy vọng. Ngay hôm sau đó, bà nhanh chóng cùng mẹ nuôi, con trai thu xếp xuống Cái Bè, Tiền Giang xác nhận thực hư.
Nhưng xuống đến nơi, ông Ba Cầm (cha nuôi bà Lan) mới nói, bà Lan và mẹ đang đi đám giỗ ở Đồng Tháp, không có nhà. Bà Lệ nóng lòng nên muốn xin vào ngồi đợi. Thấy trong phòng khách có dán ảnh đám cưới của một người phụ nữ giống người bỏ mối cà phê miêu tả, lòng bà Lệ thấy có linh cảm đặc biệt.
Ngay hôm đó, người nhà đã tức tốc gọi bà Lan quay trở về Tiền Giang. Cuộc trùng phùng diệu kỳ, chứa chan những giọt nước mắt của hai chị em sau 30 năm khiến những người dân làng xóm quanh đó túa ra, kéo tới xem đông nghẹt 2 con đường.
Chị Quế Thanh, con gái bà Lan khi đó mới 7 tuổi, vừa đi học về thấy sân chật kín người. Những hình ảnh đó khiến chị không thể quên cho tới tận bây giờ.
"Mẹ tôi giống như sắp khuỵu. Sống gần 30 năm cuộc đời, tự dưng ở đâu có một người tới nói có một người em gái y chang. Làm sao có thể tin nổi ? Mẹ đau lắm, ôm dì khóc nức nở", Quế Thanh tâm sự.
Sau ngày hội ngộ trào nước mắt, bà Lan - bà Lệ qua lại nhà nhau thường xuyên. Cả hai quấn quýt, khăng khít, cố gắng bù đắp tình cảm cho nhau sau suốt những năm tháng xa cách. Nhưng sâu thẳm trong trái tim, cả hai chị em biết mình còn một ước nguyện chưa thể hoàn thành, đó là tìm lại mẹ ruột.
Giữa tháng 6/2023, chị Quế Thanh, con gái bà Lan đã đăng tải một số hình ảnh kèm dòng thư xúc động lên mạng xã hội. Đó là lời thật tâm từ đáy lòng của bà Lan - bà Lệ dành cho mẹ ruột.
"Thưa má!
Tụi con là Lan và Lệ, là hai đứa con song sinh của má đây. Lá thư này, tụi con muốn bày tỏ chuyện tụi con muốn tìm má. Tại sao hồi trước tụi con không tìm? Tụi con xin trả lời là vì, tới ngày hôm nay, sau 50 năm, tụi con mới có thể tha thứ được cho ba với má vì đã bỏ rơi tụi con lúc mới chào đời.
Nếu mà ông trời không cho tụi con gặp má trong kiếp này, tụi con cũng mong má với ba, nếu có một lần nhớ tới tụi con, hãy an lòng. Bây giờ, hai chị em con ai cũng một gia đình riêng hạnh phúc rồi má.
Bây giờ, tụi con đã 52 tuổi rồi, có cháu ngoại, cháu nội luôn rồi, xin lỗi má tại tới bây giờ, tụi con mới nói được mấy lời này. Cuối thư, kính mong má với ba nhiều sức khoẻ và bình an dù có đang ở đâu đi nữa.
Lan và Lệ kính thư!"
Trong hồi ức mơ hồ, cả hai chị em chỉ biết tên mẹ ruột là Phan (hoặc Phạm) Thị Đào (SN 1954, quê Vĩnh Long), tại bệnh viện ở Nha Trang, do bác sĩ Luôn (hoặc Luông) đỡ đẻ. Một sản phụ trong viện bị hư thai, nghe được tin bà Đào muốn đem cho hai con gái mới sinh nên đã tới xin về.
Bà Lệ bộc bạch: "Mẹ nuôi tôi kể, lúc đầu muốn xin nuôi chị Lan vì chị nặng cân hơn. Nhưng tới hôm xách giỏ xuống, chuẩn bị đón con thì mới thấy chị bị người ta ẵm đi mất. Chỉ còn tôi nằm đó. Mẹ nuôi tôi mới giúi một ít tiền vào tay má Đào và ẵm tôi về. Có lẽ má tôi chắc vẫn ở Nha Trang hoặc vòng vòng miền Trung, không dám về quê".
Chị Quế Thanh đã giúp mẹ và dì đăng tải thông tin lên các trang hội nhóm, gửi hồ sơ tới các chương trình tìm kiếm thân nhân nhưng chưa nhận được hồi âm.
Hiện bà Lệ đã chuyển từ Đồng Nai lên Bình Dương sinh sống cùng gia đình. Còn bà Lan vẫn ở lại Tiền Giang. Cả hai chị em đau đáu nỗi niềm tìm lại mẹ ruột, mong phép màu sẽ một lần nữa xảy ra để gia đình có thể sum vầy trọn vẹn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn