Xuất phát điểm là một tiểu thương buôn bán quần áo ở chợ Vồi (chợ đầu mối) trên địa bàn xã Hà Hồi, song do công việc kinh doanh quần áo ngày càng khó khăn, tình hình buôn bán không khả quan nên chị có ý định chuyển đổi mô hình kinh doanh khác.
Trong quá trình kinh doanh, buôn bán ở đây, chị Thúy được tiếp xúc với các tiểu thương cũng như các trang trại làm rau, trồng nấm trên địa bàn xã và các huyện lân cận.
Thông qua các kênh đó, chị nắm bắt được nhu cầu thị trường về nấm sạch là rất lớn, trong khi số lượng nấm sạch đưa ra thị trường ở khu vực và trên địa bàn Hà Nội còn hạn chế. Đó cũng là ý tưởng manh nha và trở thành quyết tâm để chị Thúy chuyển đổi mô hình kinh doanh quần áo sang làm nông nghiệp sạch.
Theo chị Thúy, thị trường rau sạch, nấm sạch có tiềm năng lớn bởi nhu cầu cấp thiết về ăn uống vệ sinh an toàn thực phẩm của các gia đình. Cuộc sống của người dân ngày càng phát triển và chuyện ăn, chuyện uống đòi hỏi phải ngon, sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
"Ở đây, trước kia cũng có một số hộ làm nấm nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có trại lớn, tập trung được nguồn lực cũng như quy mô. Thế nên tôi bàn với chồng và gia đình tôi quyết tâm trồng nấm sạch", chị Thúy kể.
Năm 2019, ngoài số vốn tích góp và vay thêm của người thân, qua Ngân hàng chính sách xã hội và Hội LHPN huyện Thường Tín, gia đình chị Thúy được vay tín chấp 70 triệu đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình.
Mô hình trồng nấm theo tiêu chuẩn VietGAP được chị Thúy chọn làm con đường khởi nghiệp. Tham gia chương trình, chị được tập huấn kỹ thuật trồng nấm của các chuyên gia, giảng viên, song từ lý thuyết đến thực tế còn khoảng cách khá xa...
"Khi mới bắt tay vào làm, mình cũng lo do chưa có nhiều kinh nghiệm, nấm chưa lên đều, chất lượng thấp bởi nhiệt độ chênh lệch trong và ngoài; giá nấm còn cao. Tuy nhiên, dần dần theo thời gian, mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, các giò nấm phát triển đều và tốt, mình mới thở phào nhẽ nhỏm", chị Thúy chia sẻ.
Tham gia Ban Chấp hành Hội LHPN xã từ năm 2016, là người năng nổ trong công tác Hội cũng như trong cuộc sống nên chị được các hội viên tin tưởng bầu làm Chi hội phó, rồi Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thượng Hiền.
Trong công tác xã hội, chị Thúy là người năng nổ, trong công việc chị lại là người chỉn chu và quyết đoán. Với các chị em hội viên trong thôn, chị Thúy là người thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ khi chị em cần. Với tinh thần đó, Trại nấm của gia đình chị Thúy tạo điều kiện cho 4 lao động nữ trong thôn có việc làm thường xuyên và nhiều lao động thời vụ, giúp chị em có thêm nguồn thu nhập.
"Ở trại nấm luôn có 4 lao động thường xuyên làm việc, vào mùa vụ thì số người làm việc tăng từ 10-13 lao động, chủ yếu là lao động nữ bởi đặc thù công việc của trại nấm cần sự khéo léo, tỉ mẩn của chị em...", chị Thúy cho biết.
Hiện tại, Trại nấm Bảo Anh của chị Thúy là một trong những mô hình làm nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP có tiếng trên địa bàn xã Hà Hồi và huyện Thường Tín. Với quy mô 4.000m2 chuyên trồng nấm sò và mộc nhĩ, hàng năm, cơ sở thu hoạch hơn 40 tấn nấm với doanh thu khoảng 1,5 tỉ đồng, trừ chi phí các loại gia đình chị Thúy thu về hơn 400 triệu đồng.
"Giờ đây, mọi việc của trại nấm đi vào ổn định, đầu ra cũng được các tiểu thương và người tiêu dùng trên địa bàn tin tưởng, đón nhận nên hàng làm ra đến đâu là hết đến đó", chị Thúy phấn khởi cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn