Chỉ tiêu 1-2 triệu đồng/tháng, nhờ bạn đóng tiền nhà vì mất việc thời gian dài

16:44 | 18/09/2023;
Từ trải nghiệm đầy khó khăn này, cô gái đã rút bài học cần chuẩn bị kỹ càng trước khi chính thức nghỉ bất kỳ công việc nào.

Nghỉ việc vì áp lực, còn gánh thêm món nợ 15 triệu đồng

Cuối năm ngoái, Thu Trà (24 tuổi, Hưng Yên) xin nghỉ công việc nhân viên văn phòng, đã gắn bó với cô được gần một năm. Dù vị trí này có mức lương ổn định, khoảng 13 triệu đồng/tháng, song đem lại cho Thu Trà không ít áp lực.

“Thời điểm mới ra trường, mình may mắn xin vào được công việc đúng ngành. Nhưng áp lực từ vị trí lớn, bản thân là người tham công tiếc việc, còn bị peer pressure (áp lực đồng trang lứa) nên cứ cố gắng làm ngày làm đêm không ngừng nghỉ. Ngoài ra, tính chất công việc không ổn định. Để hoàn thành KPI, mình phải phụ thuộc vào thời gian của người khác. Việc mình tăng ca đến 8-9h tối là chuyện bình thường. Lý do không phải mình làm chậm mà phải đến đúng giờ đó, khách mới dành thời gian để cùng mình hoàn thành nốt công việc", Thu Trà nói.

Chỉ tiêu 1-2 triệu đồng/tháng, nhờ bạn đóng tiền nhà vì mất việc thời gian dài - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Sau thời gian dài đi làm, Thu Trà cũng tích lũy được một khoản tiền. Tuy nhiên, cô bị đồng nghiệp dụ tham gia đầu tư sau đó mất sạch, bản thân còn phải gồng thêm món nợ 15 triệu đồng. Chán nản, Thu Trà quyết định chấm dứt chuỗi ngày làm văn phòng nhàm chán, bỏ về quê sinh sống một thời gian. Đến tháng 3 năm nay, cô mới quay lại Hà Nội tìm việc, cùng hành trang gần như là hai bàn tay trắng.

“Bỏ về quê mình khiến mình khá chán nản, cầm theo một món nợ còn gây áp lực tâm lý nhiều hơn. Bấy giờ, mình khá hoang mang khi nghĩ đến con đường tương lai. Liệu mình có nên tiếp tục công việc cũ, hay đi làm công việc trái ngành. Nếu nói đến công việc trái ngành thì bản thân không biết nên đi từ đâu. Bởi thực tế kỹ năng và kiến thức mình có hầu hết chỉ ở công việc cũ", Thu Trà chia sẻ.

Đầu tháng 3 năm nay, Thu Trà lên lại Hà Nội tìm kiếm cơ hội mới với gần như hai bàn tay trắng. Thời gian sau đó của Thu Trà đầy khó khăn vì nguồn thu nhập bấp bênh, bản thân không thể xin tiền từ bố mẹ vì nhiều lý do.

Tiêu 1-2 triệu/tháng, nhờ bạn đóng hộ tiền nhà suốt 3 tháng

Sau khi lên Hà Nội, bên cạnh rải CV để tìm công việc mới, Thu Trà còn nhận làm CTV content tại nhà để gia tăng thu nhập. Đây là công việc Thu Trà được bạn cùng phòng giới thiệu trong thời gian tìm việc. Mỗi ngày cô làm tự do 6-7 tiếng, đổi lại mức lương 3-5 triệu đồng/tháng. 

Thu Trà nhớ lại: “Công việc không quá nặng nhọc, nhưng mình bị chậm lương nên dẫn đến không kiếm đủ chi phí sinh hoạt. Đơn cử như tiền lương tháng 3, nhưng phải đến tháng 5 mình mới được nhận. Với công việc content, mình chậm lương 2-3 tháng sau là chuyện bình thường, có lẽ do mình không được ký hợp đồng chính thức".

Trong thời gian thất nghiệp và đợi lương về, để tiếp tục sống và làm việc tại Hà Nội, Thu Trà đã phải nhờ bạn cùng phòng đóng hộ 3 tháng tiền nhà. Điều này giúp cô tiết kiệm được một khoản tiền lớn. Đỉnh điểm giai đoạn khó khăn là có tháng, cô nàng chỉ tiêu 1 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt và phải ăn mì gói suốt 5 ngày.

Chỉ tiêu 1-2 triệu đồng/tháng, nhờ bạn đóng tiền nhà vì mất việc thời gian dài - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

“Mình lên Hà Nội vào tháng 3 thì đến tháng 6 được nhận vào cùng vị trí với công việc cũ, song mức lương thu về thấp hơn đôi chút. Mình nghĩ là do kinh tế chung khó khăn nên không cảm thấy quá buồn. Hiện tại, mình vẫn đang chăm chỉ làm việc để trả món nợ tiền thuê nhà và một phần khoản nợ 15 triệu, đồng thời trang trải cuộc sống hiện tại.

Suốt 3 tháng thất nghiệp, mình chỉ tiêu 1-2 triệu đồng chi phí sinh hoạt. Tiền ăn là 700k đồng (số tiền khá ít do được bạn cùng phòng chia sẻ), 200k đồng tiền xăng xe, 200k đồng tiền điện nước và wifi, khoảng 1 triệu còn lại cho chi phí khác. Tháng đỉnh điểm mình tiêu 1 triệu là chỉ trả tiền cho những nhu cầu cơ bản như mua đồ ăn, đóng tiền xăng xe và phí dịch vụ khi thuê nhà”.

Qua được khoảng thời gian đó, Thu Trà càng biết trân trọng thêm đồng tiền kiếm được và đặc biệt là mối quan hệ với bạn cùng nhà. Cô nàng cũng rút ra lời khuyên cho những người trẻ dự định nghỉ việc trong thời điểm bão sa thải và kinh tế khó khăn như hiện nay.

- Cần có một khoản tiết kiệm, nếu không thất nghiệp là chuyện đầy khó khăn.

 Theo Thu Trà, trải nghiệm rơi vào hoàn cảnh khó khăn này dạy cô cần một khoản tiền tích lũy đủ lớn, để phòng trường hợp khẩn cấp hoặc chẳng may không thể xin tiền từ gia đình.

- Hạn chế nhận công việc không có hợp đồng rõ ràng. 

Ban đầu, cô nàng nhận làm vị trí CTV Content vì thấy công việc này thuộc tập đoàn lớn. Tuy nhiên, do chỉ thỏa thuận miệng nên khi bị chậm lương, cô chỉ nhận được lời giải thích qua loa từ người phụ trách và không có một phương án giải quyết khả thi. Đến hiện tại, Thu Trà đã nhận đủ tiền lương từ công việc, song việc bị chậm lương trong thời gian dài từng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của cô.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn