Tại Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão, Tổ Điều hành thị trường trong nước - Bộ Công Thương thông tin: Năm nay, kinh tế đã khởi sắc, người dân bắt đầu "mạnh tay" với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước tính nhu cầu sẽ tăng khoảng 4%-7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.
Nhu cầu hàng hóa tăng cộng với việc Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau nên công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai. Ước tính dự trữ hàng hoá tăng khoảng 7%-10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.
Để triển khai công tác chuẩn bị Tết, các địa phương đã chỉ đạo, khuyến nghị các doanh nghiệp huy động tối đa nguồn lực để dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với những chính sách thiết thực như tổ chức hội chợ Xuân, các điểm bán hàng bình ổn, các điểm bán hàng lưu động…
Tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thông tin, Thành phố Hà Nội đã ban hành 10 Kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác bình ổn thị trường, công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, kích cầu nội địa tăng tổng mức bán lẻ, công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, xăng dầu trên địa bàn thành phố.
Thành phố triển khai Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022 (thời gian thực hiện từ tháng 7/2022 đến hết tháng 5/2023) với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm bán trên toàn thành phố Hà Nội. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ các đơn vị có nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, thành phố đã tổng hợp và gửi thông tin nhu cầu vay vốn của 9 đơn vị tham gia Chương trình với tổng số vốn là 889 tỷ đồng tới các tổ chức tín dụng để chủ động kết nối vay vốn ngân hàng.
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15% - 30% so với Kế hoạch Tết 2022. Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Đối với các hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán 2023, Hà Nội đã triển khai phục vụ Tết cho nhân dân trên toàn bộ hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố.
Tại TP Hồ Chí Minh, ông Ngô Hồng Y, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết, hiện nay, nguồn cung của thành phố Hồ Chí Minh qua kênh chợ đầu mối, chợ truyền thống khoảng 50% - 60%, hệ thống phân phối siêu thị khoảng 15% - 20%, còn lại qua các doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tham gia công tác bình ổn thị trường là 73 đơn vị, với nguồn vốn chuẩn bị cho nguồn hàng khoảng 20.000 tỷ đồng. Dự báo, nhu cầu hàng hóa Tết tăng 2-3 lần, vì vậy, ngành Công Thương tích cực tìm kiếm nguồn hàng, đảm bảo tiêu thụ của thành phố.
Để đảm bảo cung cầu và ổn định giá hàng hóa thiết yếu, UBND thành phố đã ban hành quyết định về kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm và Tết Quý Mão 2023. Trong đó tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3.000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường.
TP Hồ Chí Minh đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau Tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu. Đồng thời thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi để người dân được mua hàng hóa với giá ổn định.
Thông tin về tình hình hàng Tết tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết, Sở Công Thương đã làm việc, trao đổi với một số đơn vị cung ứng hàng hoá thiết yếu trên địa bàn, các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ lớn, đặc biệt là các đơn vị cung ứng thịt gia súc, gia cầm về chuẩn bị hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Qua tổng hợp, nhìn chung, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết của doanh nghiệp năm nay so với năm trước có tăng, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 1.850 tỷ đồng. Trong đó: 351,9 tấn gạo, nếp các loại; hơn 4.000 tấn thịt các loại (trong đó thịt heo khoảng 2.000 tấn), 645,7 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, 287,6 tấn thực phẩm khô, 798,3 tấn bánh kẹo mứt hạt dưa các loại, 900 tấn rau củ quả các loại;
Ông Nguyễn Hữu Hạnh nhấn mạnh: "Dự báo nhu cầu tiêu thụ thời gian tới sẽ sẽ tăng, do thu nhập người dân được cải thiện sau dịch, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn nhiều loại sản phẩm khác nhau phục vụ cho nhu cầu Tết thay thế cho các sản phẩm truyền thống".
Do đó, Sở Công Thương đã tổ chức một số hoạt động bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán như vận động 3 doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong sản xuất, cung ứng, phân phối thịt heo tham gia tổ chức bán thịt heo bình ổn (Nhà nước có hỗ trợ một phần chi phí tổ chức bán hàng) tại 18 điểm. Đồng thời, tổ chức Hội chợ Xuân 2022 dự kiến từ ngày 11/01/2023 đến ngày 16/01/2023 với quy mô khoảng 250 gian hàng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn