Mấy hôm nay, người dân tại tổ dân phố 3 vẫn đang xôn xao câu chuyện về người hàng xóm làm nghề lượm ve chai nhặt được 15 triệu đồng nhưng sẵn sàng trả lại cho người đánh mất. Cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đa phần ai cũng dành cho chị Hương sự nể trọng và tin quý.
"Chị ấy đi nhặt ve chai về bán để gom góp từng đồng để trả nợ, cũng vất vả lắm. Vậy mà khi nhặt được tiền thì không giữ cho riêng mình mà lại đi tìm người trả lại, khiến chúng tôi rất khâm phục", bà Cẩm, một hàng xóm, nói.
Khi được dẫn đường đến căn nhà mà chị Hương hiện đang ở, chúng tôi như càng hiểu và trân trọng hơn hành động của chị. Căn nhà ngói cấp bốn lụp xụp nằm giữa khối phố mới. Trong khi mảng tường phía trong nhà mới chỉ được xây gạch thô mà chưa có tiền trát thì mảng tường bên ngoài đã kịp lên màu mốc meo. Ngôi nhà có lẽ đã được xây lâu lắm rồi.
Khi chúng tôi đến, chị Hương vừa đi nhặt ve chai về. Trong khoảng sân nhỏ, chị đang lúi húi bên đống ve chai, đập dập từng lon bia, chai nước để hôm sau mang đi bán. Căn nhà nhỏ đơn sơ chỉ có mình chị Hương ra vào.
Chia sẻ với chúng tôi, chị kể chồng đã mất được hơn 25 năm, khi đó đứa con trai út mới được hơn 2 tuổi. Kể từ đó đến giờ, một tay chị nuôi 4 con khôn lớn trưởng thành. Nay ba đứa con trai đầu của chị đã trưởng thành đã lập gia đình và đều ở xa, còn đứa út sống không có nghề nghiệp nên chị vay mượn hơn 400 triệu đồng cho đi làm thuê ở nước ngoài. Trước đây chị làm phục vụ ở quán phở nhưng sau vì sức khỏe không cho phép, nên chị chuyển sang làm nghề lượm ve chai. Tiền kiếm được một phần trang trải cuộc sống, phần chủ yếu vẫn dành để trả khoản nợ vay cho con đi nước ngoài. Nói là thế, nhưng theo lời chị, mỗi ngày dù vất vả ngược xuôi, chị cũng chỉ kiếm được khoảng 100 ngàn đồng, chưa kể những hôm mưa gió, chị không đi làm được.
Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng khi kể với chúng tôi, chị vẫn rất vui vẻ. Chị bảo giờ chỉ còn trả nợ với lấy vợ cho người con trai út nữa là chị hoàn thành tâm nguyện rồi. Bởi vậy, câu chuyện về 15 triệu đồng bỗng từ trên trời rơi xuống kia cũng là bất ngờ với chị.
Theo đó, trưa ngày 13/5, khi đạp xe từ cầu Bến Thủy về nhà, lúc đến cửa hàng chiết gas thuộc thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), chị thấy một xấp tiền với nhiều tờ mệnh giá 500.000 đồng buộc bằng dây thun nằm ven đường. Không thấy có giấy tờ nào ghi thông tin liên lạc, cũng không biết trả cho ai, chị Hương sau đó đưa đến Công an thị xã Hồng Lĩnh giao nộp, nhờ tìm người đánh rơi để trả lại.
“Tiền đó đối với tôi thì nhiều thật, nhưng với người chủ của nó cũng nhiều như vậy. Hơn nữa không phải tiền của mình thì mình tham làm gì. Thà mình trả lại cho người ta, coi như làm chút việc tốt, lấy may mắn cho con cháu về sau”, chị Hương nói.
Sau đó, khi cơ quan chức năng làm việc đã tìm được chủ sở hữu ở huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An đánh rơi trên đường đi làm về, số tiền hôm đó chị nhặt được là 15,9 triệu đồng.
“Hôm trao trả số tiền cho người mất, tôi cũng được mời lên. Bên nhận được tiền cũng cảm ơn tôi mãi, rồi hôm 21/5 vừa rồi, tôi cũng được công an thị xã khen thưởng nữa nhưng tôi nghĩ là ai ở trường hợp của tôi cũng sẽ làm thế thôi. Nhìn thấy người mất nhận lại được tiền mồ hôi nước mắt của mình là tôi vui rồi”.
Chị Hương nhoẻn miệng cười rồi lại với tay rót thêm nước vào cốc nước chè của chúng tôi. Có lẽ đối với chị, ngày chị nhặt được tiền, ngày chị được khen thưởng hay như ngày hôm nay cũng như bao ngày khác thôi. Việc chị nhặt được tiền và trả lại dường như là lẽ hiển nhiên như vậy, có chăng chỉ đem thêm cho chị chút bất ngờ và niềm vui nho nhỏ. Nghĩa cử đẹp xuất phát từ tấm lòng dung dị, lương thiện không cần tô vẽ cũng đã tự tỏa sáng và có lẽ cần tuyên truyền thật nhiều hơn nữa để mọi người cùng noi theo.