Chia sẻ bí quyết để nữ ứng cử viên tạo được sự tín nhiệm với cử tri

15:41 | 03/05/2021;
Nhằm hỗ trợ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Hội LHPN TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động đồng hành, các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm.

Mới đây, tại hội nghị chia sẻ kinh nghiệm cho 150 nữ ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn huyện Nhà Bè (TPHCM), bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM, đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND TPHCM - đã chia sẻ những kinh nghiệm từ việc lựa ảnh thẻ, tác phong, trang phục đến cách viết, cách trình bày chương trình hành động cho các nữ ứng cử viên.

Theo bà Tô Thị Bích Châu, việc người phụ nữ tham gia ứng cử vào HĐND các cấp đã là một chiến thắng, chiến thắng chính bản thân. Ứng cử HĐND vừa là cơ hội để phát huy kinh nghiệm, năng lực cá nhân trong quá trình công tác, vừa phục vụ cho bản thân, gia đình, cho tổ chức và cộng đồng.

Chia sẻ bí quyết để nữ ứng cử viên tạo được sự tín nhiệm với cử tri - Ảnh 1.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM, đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND TPHCM

Để có được lá phiếu tính nhiệm của cử tri, nữ ứng cử viên cần chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cả kiến thức lẫn hình thức bên ngoài. Đối với việc trình bày chương trình hành động, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh: "Quan trọng nhất của chương trình hành động là phải nhớ rõ nội dung. Ta phải biết ta sẽ làm gì? Làm ở đâu? Làm thế nào? Không có khuôn mẫu nào cho chương trình hành động vì mỗi địa phương có một đặc thù riêng, mỗi nữ ứng cử viên có một nhiệm vụ chuyên môn riêng. Chúng ta cố gắng viết ngắn gọn, tạo điểm nhấn. Khi trình bày phải điều chỉnh từ từ phù hợp với cử tri đang tiếp xúc. Ví dụ nữ ứng cử viên đang làm việc ở Hội LHPN nhưng khi tiếp xúc với các cử tri là đoàn viên thanh niên thì phải linh hoạt chỉnh chương trình hành động hướng đến nữ thành niên".

Tư thế, tác phong khi trình bày cũng là yếu tố quan trọng. Khi trình bày chương trình hành động, nữ ứng cử viên phải nhìn thẳng vào cử tri với tư thế tự tin, sẵn sàng. Tạo niềm tin cho người đối diện, cho hội nghị. Gương mặt phải vui vẻ, thân thiện để cử tri dễ có thiện cảm. 

Về ngoại hình, theo bà Tô Thị Bích Châu, nữ ứng cử viên khi đi tiếp xúc cử tri nên ăn mặc giản dị nhưng không xuề xòa. Nữ ứng cử viên có thể mặc áo sơ mi, áo dài, tác phong sạch sẽ và gọn gàng; không nên mặc trang phục lòe loẹt, quá nhiều hoa, nhiều màu, phá đi ấn tượng ban đầu với người nhìn. Gương mặt nên trang điểm nhẹ để tươi tắn, không nên đơn giản quá khiến gương mặt nhợt nhạt.

Một mẹo nhỏ tiếp theo để tạo ấn tượng ban đầu cho cử tri là: Nếu buổi tiếp xúc diễn ra vào buổi chiều hoặc tối thì nữ ứng cử viên có thể gợi ý tạo ra một không khí sôi động, hứng khởi bằng một trò chơi, một bài hát tập thể.

Ngoài ra, tạo ấn tượng ban đầu bằng hình ảnh dán trên bảng cũng cần được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Nữ ứng cử viên nên chọn ảnh mặc áo dài là phù hợp nhất. Không dùng hình đã chụp quá lâu hoặc chỉnh sửa quá nhiều, khác xa với thực tế.

"Trái tim gần vai" là câu châm ngôn bản thân tôi luôn tâm niệm trong vai trò đại biểu HĐND. Khi đã nhận trách nhiệm thì phải tìm niềm vui trong công việc. Nhìn trách nhiệm, công việc bằng sự thấu cảm của trái tim, chúng ta sẽ đưa vai ra gánh vác", bà Bích Châu gửi gắm đến các nữ ứng cử viên.

Chia sẻ bí quyết để nữ ứng cử viên tạo được sự tín nhiệm với cử tri - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, chia sẻ nhiều kinh nghiệm khi trình bày trước đám đông. Theo đó, nữ ứng cử viên khi trình bày chương trình hành động phải nhớ giới thiệu sơ lược về bản thân, họ tên, năm sinh, nơi công tác. Nữ ứng cử viên nên đến sớm để hỏi thăm, giao tiếp với cử tri, nói chuyện với những người mình đã biết mặt. Nên chọn áo có cổ, không mặc đồ nhiều màu hoặc những trang phục đính nhiều hạt cườm. Nữ ứng cử viên nên đi đôi giày quen thuộc, vừa chân. Giày có thể đi bất cứ sàn nhà nào cũng không gây ra tiếng động.

"Khi chuẩn bị được giới thiệu tới lượt mình thì người trình bày thường sẽ run hơn. Nữ ứng cử viên có thể tạo động tác giả chỉnh sửa micro lại cho vừa người để bớt hồi hộp. Nếu cầm micro thì không nên để sát miệng. Đặc biệt, chúng ta nên luyện đọc chương trình hành động trước gia đình, người thân, bạn bè hoặc cơ quan.  Việc luyện tập sẽ giúp chúng ta tự tin hơn và nhận lại sự góp ý từ mọi người. Chị em cũng có thể đứng trước gương và tự sửa những động tác của mình. Chúng ta cũng nên tự bấm đồng hồ để phần trình bày ngắn gọn, đủ ý, có điểm nhấn", bà Nguyễn Trần Phượng Trân cho hay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn