Nhằm nâng cao kiến thức về thương mại điện tử cho phụ nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ chuyển đổi hình thức kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trên môi trường online thích ứng với thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0, TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh trong thời kỳ 4.0". Diễn đàn diễn ra vào chiều ngày 23/2/2022 theo hình thức trực tuyến với 2.000 người tham gia.
Chia sẻ tại diễn đàn, Trưởng Ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam Hồ Thị Quý nhấn mạnh: Dịch bệnh Covid-19 đã tác động không chỉ tiêu cực mà còn có ý nghĩa tích cực đến mô hình kinh doanh ở nhiều nước và Việt Nam. Nếu như trước đại dịch, kinh doanh trên môi trường mạng chỉ phù hợp với số ít doanh nghiệp thì đến nay là xu thế tất yếu trong chuyển đổi của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Hội LHPN Việt Nam đã kịp thời có ý tưởng, hỗ trợ khảo sát và tổ chức các hoạt động đào tạo, cung cấp kỹ năng, nâng cao năng lực giúp chị em nắm bắt xu thế, thế mạnh công nghệ để kinh doanh, khởi nghiệp.
Hội LHPN Việt Nam cũng nhận được sự đồng hành của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, nhanh chóng phê duyệt và tài trợ hoạt động "Khảo sát về nâng cao năng lực Thương mại điện tử cho phụ nữ làm kinh doanh" cho Hội LHPN Việt Nam, với mục tiêu đề ra là trang bị kiến thức về Thương mại điện tử, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và khuyến nghị cho các hoạt động hợp tác trong tương lai.
"Đây là một chương trình rất quan trọng trong xu thế thúc đẩy phụ nữ thích ứng hơn với môi trường kinh doanh số. Đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ đối mặt nhiều với các rào cản và thách thức trong tiếp cận môi trường số. Đó là quy mô kinh doanh nhỏ nên khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế, đó là tâm lý e ngại, là năng lực chuyển đổi sang môi trường kinh doanh số còn hạn chế. Chính vì vậy, hoạt động "Khảo sát về nâng cao năng lực Thương mại điện tử cho phụ nữ làm kinh doanh" cho Hội LHPN Việt Nam đã tạo môi trường thuận lợi hơn, giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ có thêm kiến thức, năng lực, vượt qua được tâm lý e ngại để dần chuyển đổi các mô hình truyền thống sang kinh doanh online, bắt kịp với xu thế". Bà Hồ Thị Quý đánh giá.
Với mong muốn giúp chị em tiếp cận và tự tin bước vào thương mại điện tử, Diễn đàn "Phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh trong thời kỳ 4.0" được tổ chức để các chuyên gia, phụ nữ khởi nghiệp tiếp tục trao đổi, chia sẻ và kết nối các mô hình kinh tế do nữ làm chủ; nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi hình thức kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trên môi trường online; mạnh dạn ứng dụng hơn trong kinh doanh.
Tại diễn đàn, các đại biểu được lắng nghe phần chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế của ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử; kinh nghiệm xây dựng thương hiệu trên môi trường online của bà Hoàng Anh Thư (Pencil Group); kinh nghiệm về khởi nghiệp trên môi trường online của ông Nguyễn Minh Đức – CEO IM Group.
Phần 2 của chương trình là những bài học thực tiễn chuyển đổi kinh doanh thành công trên môi trương online thông qua chia sẻ của các nữ chủ doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Cụ thể, chị Trần Hạnh Thư – Giám đốc Công ty TNHH TANISA (Thành phố HCM) chia sẻ về kinh nghiệm đưa các sản phẩm đặc sản Tây Ninh kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế, đặc biệt là trên sàn Amazon. Chị Nguyễn Thanh Trúc - Công ty TNHH Kim Trúc Plus (Vũng Tàu) chia sẻ về sự hỗ trợ của Hội trong trong quá trình ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
Là 1 trong 10 phụ nữ khởi nghiệp được Hội LHPN Việt Nam và JICA lựa chọn để hỗ trợ tư vấn theo phương thức trực tiếp 1-1, chị Hoàng Thị Kim Anh– giám đốc HTX An Hòa Hưng (Đồng Nai) chia sẻ qua các khóa học đào tạo trên sàn thương mại điện tử chị đã biết cách xây dựng thương hiệu, hình ảnh, từ đó đưa sản phẩm lên sàn thương mại hiệu quả và mong muốn sắp tới có thể vươn ra thế giới.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng thảo luận về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp trên môi trường online và những giải pháp để tiếp tục thúc đẩy, nhân rộng mô nâng cao năng lực thương mại điện tử cho phụ nữ làm kinh doanh trong thời gian tới.
Với sự phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Công ty cổ phần công nghệ IM groups, chương trình nâng cao năng lực Thương mại điện tử cho phụ nữ làm kinh doanh đã tổ chức 10 lớp tập huấn, thu hút hơn 600 học viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ tham gia. Các nội dung tập huấn tập trung vào kiến thức về Thương mại điện tử; Phát triển thị trường kinh doanh thông qua Thương mại điện tử; Xây dựng và quản trị Website cơ bản; bán hàng đơn giản với Facebook cá nhân; Xây dựng kênh bán hàng trên các sàn Thương mại điện tử; Tổng quan về bán hàng và maketing hiệu quả, phương pháp tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, 10 đơn vị (05 hợp tác xã; 03 doanh nghiệp và 02 hộ kinh doanh) do nữ làm chủ đã được lựa chọn để hỗ trợ tư vấn theo phương thức trực tiếp 1-1, ứng dụng Thương mại điện tử sâu, cụ thể hơn với điều kiện của chị em phụ nữ thông qua đội ngũ tư vấn là các chuyên gia nhiều kinh nghiệm từ Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng các bài giảng điện tử (video, clip) tuyên truyền về lợi ích và cách sử dụng các công cụ ứng dụng Thương mại điện tử cho hội viên phụ nữ trong thời gian tới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn