Chiều 19/8, Hội thảo khoa học "Giải pháp tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp uỷ Đảng các cấp hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng" do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh uỷ Bình Dương và Tỉnh uỷ Bình Phước tổ chức đã diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội, kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu Bình Dương, Bình Phước.
Tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam đã trình bày về Báo cáo nghiên cứu về sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp ủy Đảng các cấp.
Theo báo cáo, tính đến nay, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp là 15,96% ở cấp tỉnh, 19,63% ở cấp huyện, và 24,77% ở cấp xã. Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp có sự khác biệt giữa các khu vực và giữa các địa phương. Tỷ lệ này ở khu vực Đông Nam Bộ là cao nhất, với 31,8% ở cấp xã, 27,3% ở cấp huyện, và 21,3% ở cấp tỉnh.
Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp xã thấp nhất (chỉ đạt 22,9%); khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện thấp nhất (chỉ đạt 16,9%); và khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ này ở cấp tỉnh thấp nhất (chỉ đạt 13,4%).
Trong khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bình Dương có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cao nhất ở cấp huyện (27%) và xã (38%), và cao thứ hai ở cấp tỉnh (22%). Bình Phước là tỉnh có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia tỉnh ủy cao vượt trội so với các tỉnh trong khu vực, đạt 29%.
"Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực triển khai các hoạt động về công tác bình đẳng giới, mục tiêu bình đẳng giới trong chính trị song tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra từ Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và thể hiện trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020" - GS.TS Nguyễn Hữu Minh cho biết.
Phát biểu tại hội thảo, Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cho biết, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức sơ kết Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới với các hoạt động như: Khảo sát, đánh giá tại một số tỉnh, tổ chức hội thảo chuyên đề; làm việc với tỉnh uỷ 8 tỉnh đại diện 3 miền về công tác cán bộ nữ…
"Một số tỉnh, thành, cấp uỷ địa phương còn thiếu sự quan tâm, thiếu cơ chế cụ thể phê bình, kiểm điểm các đơn vị không đủ tỉ lệ, chỉ tiêu về cán bộ nữ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Sự khác biệt về tuổi nghỉ hưu cũng dẫn đến thời gian để cán bộ nữ tích luỹ kinh nghiệm, trải nghiệm ít hơn nam giới; làm hạn chế cơ hội được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, làm giảm sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị.
Ngoài ra, định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ và nam giới vẫn còn tồn tại ở một số địa phương…" - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam chia sẻ một số nguyên nhân của việc hạn chế trong công tác cán bộ nữ.
Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đến từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Xã hội học Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, UNDP, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Bình Phước… đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ về những giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ trong cấp uỷ Đảng các cấp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn