Ngày 18/3, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đã đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham dự Đối thoại trực tuyến giữa các lãnh đạo nữ khu vực Đông Nam Á và Australia với chủ đề “Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái bị tác động bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực”.
Buổi đối thoại có sự tham gia của hơn 30 nữ lãnh đạo khu vực Đông Nam Á và Australia. Mục đích của buổi đối thoại là trao đổi, đánh giá các tác động của đại dịch COVID-19 đối với phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực, từ đó đưa ra các giải pháp để tăng quyền cho nhóm này.
Phát biểu tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động nặng nề đến nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội, đe dọa những thành tựu về bình đẳng giới của hầu hết quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trước tình hình đó, năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đặc biệt phụ nữ, lao động nữ được hỗ trợ chiếm tỷ lệ lớn như chính sách về bảo hiểm xã hội, hỗ trợ bằng tiền, cho vay vốn. Trong số đó, lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi; trẻ em là F0, F1; trẻ em mồ côi do COVID-19 và trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 là đối tượng nhận được hỗ trợ bổ sung ở mức cao hơn. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cũng được tăng cường.
Với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, năm 2022 Chính phủ Việt Nam đã ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội gồm 5 nhóm giải pháp cụ thể: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động; rà soát, tiếp tục đề xuất thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Các chính sách đều được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới một cách cụ thể nhằm đảm bảo các quyền lợi và tính đến nhu cầu của mỗi giới, góp phần rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hiện nay, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với sự lây lan mạnh mẽ của biến chủng Omicron, điều này đặt ra các thách thức lớn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, cũng như triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt khó khăn hơn với những đối tượng yếu thế như lao động nữ trong khu vực phi chính thức, lao động nữ di cư.
“Chúng tôi mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm từ các quốc gia để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các giải pháp tăng cường trao quyền cho phụ nữ phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Chúng tôi cũng đề xuất Australia và các quốc gia ASEAN tiếp tục hợp tác, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện bình đẳng giới, ứng phó với đại dịch, phục hồi, phát triển kinh tế vì tương lai tốt đẹp cho phụ nữ và trẻ em gái,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ tại buổi đối thoại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn