Chia tay người yêu, nữ sinh nằng nặc đòi tự tử

07:01 | 05/04/2017;
Chia tay mối tình đầu sau nhiều năm gắn bó, nữ sinh viên đại học năm cuối rơi vào tình trạng sốc rồi trầm cảm, luôn đòi tự tử.
21 tuổi, Lê Thanh T., là sinh viên năm cuối của một trường Đại học ở Hà Nội. T. từng là một nữ sinh khỏe mạnh, tính cách sống vui vẻ hòa đồng, bạn bè yêu quý...
T. có tình yêu đầu đời với một thanh niên lâu năm. Mọi chuyện diễn ra xung quanh T. đầy màu hồng. Nhưng mọi chuyện thay đổi hẳn khi chuyện tình cảm của T. gặp trục trặc. Sau khi chia tay người yêu cùng với với áp lực ở trường học, T. mất ngủ triền miên, không thể ngủ hơn 3- 4 tiếng một đêm, rồi xuất hiện tình trạng chán ăn, và gày sút 4kg trong 6 tuần.
Gia tăng bệnh nhân trầm cảm, đặc biệt là bệnh nhân nữ.

T. thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, không muốn đi học và cũng không muốn làm việc gì. T. hay ngồi khóc, và cảm giác cuộc sống của mình không còn có ý nghĩa. Có lúc T. lại cáu gắt và giận dữ. Nhiều lần nói với mẹ là không muốn sống nữa, muốn chết để không phải đau khổ như hiện tại. Cuối cùng, gia đình buộc phải đưa T. nhập Viện Sức khoẻ tâm thần. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận T đang ở giai đoạn trầm cảm nặng không có triệu chứng loạn thần, có ý tưởng tự sát.
 
TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết, trầm cảm là rối loạn phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến trong độ tuổi từ 18-45 tuổi, nữ thường dễ mắc hơn nam. Đặc biệt, phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm nhiều hơn nam giới 2 lần, ở người phụ nữ: sự thay đổi hormon ở lứa tuổi dậy thì, trong chu kỳ kinh nguyệt, giai đoạn mang thai, bị sảy thai, giai đoạn mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Bệnh trầm cảm hiện có xu hướng trẻ hoá. Hội chứng trầm cảm này gặp tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp.

“Việc điều trị trầm cảm gặp rất nhiều các thách thức, và khó khăn. Phần lớn bệnh nhân trầm cảm đều không được nhận biết và điều trị sớm, nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm còn kỳ thị hoặc biểu hiện bằng các triệu chứng cơ thể nên đến khám tại các chuyên khoa khác trước khi đến khám tại chuyên khoa tâm thần. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân trầm cảm thường chậm chễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa. Vấn đề khó khăn khác là điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, việc dùng liệu pháp hóa dược đôi khi có thể có tác dụng không mong muốn, bản thân bệnh nhân và gia đinh người bệnh không tuân thủ, bỏ điều trị”, TS Phương nhận định.

Ngày 7/4 hàng năm được tổ chức Y tế thế giới (WHO) chọn là ngày Sức khỏe tâm thần thế giới để tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tăng cường nhận thức của toàn xã hội về sức khỏe tâm thần. Năm 2017, WHO chọn chủ đề: “Trầm cảm - hãy cùng trò chuyện”.

Trầm cảm là 1 rối loạn phổ biến trên thế giới. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Trong năm 2016, Viện sức khoẻ tâm thần khám và điều trị ngoại trú 18.402 lượt bệnh nhân trầm cảm (chiếm 30%), điều trị nội trú 446 lượt bệnh nhân (chiếm 13,0%). Trung bình mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người. Nghiên cứu mới nhất tại Viện Sức khoẻ tâm thần năm 2016 ở những bệnh nhân từ 45 tuổi bị trầm cảm có tỉ lệ 36,5% bệnh nhân có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.
 
 
 
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn