VSLA là một nhóm tiết kiệm và cho vay tự chủ, độc lập với quy chế do chính các thành viên của nhóm xây dựng. Hoạt động chính của VSLA là tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần, sau đó khoản tiết kiệm này sẽ được đầu tư dưới dạng các khoản vay mà các thành viên có thể vay lại. VSLA còn duy trì một quỹ tương hỗ để hỗ trợ các thành viên trong trường hợp khó khăn, khẩn cấp.
Mỗi VSLA được thành lập có từ 15 đến 25 thành viên, được hỗ trợ 1 két sắt, sổ quỹ tín dụng tiết kiệm của hội viên và được tập huấn kỹ năng ghi chép, quản lý quỹ. Mỗi nhóm sẽ xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với yêu cầu của các thành viên trong nhóm.
Theo đó, có nhóm họp hàng tuần, có nhóm họp 2 tuần/lần hoặc 1 tháng/lần để gửi tiết kiệm, mỗi thành viên tại mỗi cuộc họp có thể nộp từ 1 đến 5 cổ phần (riêng lần họp đầu tiên có thể nộp nhiều hơn), mệnh giá cổ phần do nhóm quy định từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng. Số tiền tiết kiệm được thông qua cuộc họp và cho các thành viên trong nhóm vay, thành viên vay vốn phải trả một phần lãi (0,5%/tháng).
Tổng kết chu kỳ (1 năm), các thành viên được nhận lại số tiền mình đóng góp trong năm và một khoản lãi nhỏ. Nếu các thành viên mong muốn thực hiện chu kỳ tiếp theo thì nhóm lại tiếp tục hoạt động một chu kỳ mới. Ưu điểm của nhóm VSLA chính là các thành viên vừa là người cho vay và được vay thuận lợi. Qua đó giúp các chị em biết tính toán chi tiêu một cách khoa học, hiệu quả, vì vậy mà một số nhóm còn có cả nam giới cùng tham gia.
Có mặt tại một buổi họp định kỳ của nhóm VSLA thôn Nà Cắn, xã Nông Hạ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cách làm rất bài bản, khoa học của các thành viên trong nhóm. Sau khi các thành viên có mặt đầy đủ, két sắt có 3 ổ khóa nhỏ (do 3 chị trong nhóm quản lý) được mở ra.
Ban quản lý mỗi người một việc, người thì tính toán tiền gốc, tiền lãi trong kỳ, người thì kiểm sổ và ghi chép, người thì thu cổ phần và tiền lãi; đồng thời phát sổ cho mỗi thành viên để tự kiểm tra, đối chiếu việc mua cổ phần hàng tháng.
Nhóm VSLA của thôn Nà Cắn có 15 thành viên, sau 1 năm, các thành viên đã mua 463 cổ phần, tiết kiệm được hơn 23 triệu đồng. Số tiền này đã được 7 chị vay để phát triển kinh tế gia đình với lãi suất 0,5%/tháng, thời gian vay là 6 tháng. Ngoài ra, nhóm còn trích một phần từ tiền lãi để làm quỹ tương trợ, nhằm có nguồn để thăm hỏi, động viên các thành viên trong nhóm khi ốm đau, khó khăn, hoạn nạn.
Chị Triệu Thị Diệp - thành viên trong nhóm VSLA thôn Nà Cắn - nói: “Tôi thấy mô hình này rất phù hợp và ý nghĩa. Vì thế, khi Chi hội phụ nữ thôn Nà Cắn triển khai, tôi tham gia mua cổ phần ngay từ tháng đầu tiên và hôm nay tổng kết két, tôi đã có 32 cổ phần (tương đương 1,6 triệu đồng). Số tiền này giúp tôi trang trải một số khoản trong gia đình”.
Từ hiệu quả của các nhóm VSLA tại xã Phúc Lộc, Bành Trạch, huyện Ba Bể, năm 2017, mô hình này được nhân rộng tại các xã thuộc huyện Chợ Mới như: Thanh Vận, Mai Lạp, Nông Hạ và được chị em đồng tình hưởng ứng.
Ngoài ra, VSLA tạo sự gắn kết để các thành viên chia sẻ và thảo luận những vấn đề mà họ quan tâm. Các hộ nghèo có thể học hỏi từ những hộ khá giả về kinh nghiệm chăn nuôi và trồng trọt, giúp chị em trở nên tự tin hơn, mạnh dạn hơn. Qua chương trình sinh hoạt này, các chị em thực hành quyền ra quyết định của mình thông qua việc luân phiên quản lý nhóm.
Năm 2017, huyện Chợ Mới có 3 xã tham gia mô hình Quỹ tiết kiệm két sắt là Thanh Vận, Mai Lạp và Nông Hạ. Trong đó, Hội LHPN xã Nông Hạ đã phát triển được 14 nhóm, thu hút được gần 200 thành viên với tổng số tiền tiết kiệm là 400 triệu đồng.
Khẳng định hiệu quả của mô hình VLSA, bà Hà Thị Liễu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Các nhóm VSLA đã và đang trở thành kênh tín dụng tin cậy, bền vững giúp cho các thành viên trong nhóm nâng cao khả năng chủ động về mặt tài chính, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Do đó, năm 2018, Hội LHPN tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các huyện trong tỉnh như: Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn...