Một trong những hiện vật gây ấn tượng với nhiều người là chiếc loa khổng lồ trưng bày tại Bảo tàng. Đây là chiếc loa được sử dụng tại bờ sông Bến Hải trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiếc loa có công suất 500W, được ghép từ 3 đoạn, hai đoạn đầu tạo thành thân loa, chiều dài 1,41 m, đoạn cuối là vỏ chứa tổ hợp khuếch đại âm thanh có chiều dài 0,72 m, toàn bộ mặt bên trong phẳng, mặt bên ngoài được đúc gờ nổi dọc thân. Hiện vật kể câu chuyện lịch sử của hơn 50 năm trước tại vĩ tuyến 17.
Ngược dòng lịch sử, câu chuyện về chiếc loa đưa chúng ta về với huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), nơi có làng bên này bên kia của chiến tuyến quân sự tạm thời theo Hiệp định Genève, nhiều gia đình có cha mẹ, anh em, bà con người ở bờ Bắc, người ở bờ Nam. Ở đây đã diễn ra những cuộc chiến không tiếng súng nhưng không kém phần cam go, đó là cuộc đấu cờ, cuộc đấu kẻ vạch sơn cầu và có lẽ cuộc đấu mang tính huyền thoại nhất là cuộc đấu loa.
Năm 1955, để tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, vạch trần âm mưu thủ đoạn thâm độc của Mỹ - Diệm, Đài Truyền thanh Vĩnh Linh được thành lập với hệ thống truyền gồm 3 máy tăng âm và 4.000 loa nhỏ, xe lưu động gắn loa 180W và loa đại có công suất lên đến 500W phục vụ công tác binh vận, địch vận, hệ thống truyền thanh giới tuyến chạy dọc theo sông Bến Hải từ Cửa Tùng đến Hói Cụ dài trên 10 km. Đây là thế hệ loa thứ 3, được dùng di động trên bờ Bắc sông Bến Hải trong giai đoạn 1960 - 1972.
Theo các nhân chứng lịch sử kể lại, khi sử dụng, loa được đặt trên xe bò, hướng miệng loa về phía bờ Nam, khi phát thì cả một vùng sông nước sôi sùng sục, có những hôm trời trong xanh được gió, âm thanh có thể vang xa hàng chục cây số về phía Gio Linh. Tiếng loa cứ tiếp tục vang lên 21 năm bên bờ Hiền Lương dưới mưa bom bão đạn cho đến ngày chiến thắng; như một minh chứng về một giai đoạn làm báo nói (phát thanh) hào hùng góp phần làm nên khúc tráng ca bên bờ sông giới tuyến. Trong số 30.000 đơn vị hiện vật lưu giữ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam có nhiều hiện vật rất quý. Mỗi tài liệu, hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện đặc biệt gắn với mỗi thời kỳ làm báo. Đặc biệt là những hiện vật về thời kỳ làm báo cách mạng sôi nổi, gian khó, hiểm nguy. Có thể nói, mỗi hiện vật là một câu chuyện về nghề mà ở đó chúng ta thấy được sự hy sinh lớn lao của các thế hệ những người làm báo, niềm say mê yêu nghề, yêu sự thật, yêu lẽ phải vì một chân lý rất giản đơn "cán bộ báo chí là chiến sỹ cách mạng" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy. Họ đã sống, đã viết và đã chiến đấu để giữ "bút sắc, lòng trong".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn