Sapna (tên của nhân vật đã được thay đổi), một bé gái đến từ Jaipur, thủ phủ của bang Rajasthan, miền Tây Ấn Độ, đang ở độ tuổi thiếu niên thì em bị gia đình ép nghỉ học để chuẩn bị kết hôn. Tuy nhiên, em đã được Shreya, một tình nguyện viên của tổ chức Jeevan Ashram Sansthan (JAS), hỗ trợ để ngăn cuộc hôn nhân này. Shreya đã liên hệ với chiến dịch "Naubat Baja Missed Call Radio" (7733959595), một kênh radio dựa trên công nghệ "đám mây" ở bang Rajasthan giúp giải quyết các vấn đề về hạnh phúc, trao quyền và sức khỏe của thanh thiếu niên.
Tháng 6/2021, Shreya nghe tin có một trẻ vị thành niên ở Jaipur bị ép kết hôn với một người đàn ông 30 tuổi. Qua tìm hiểu, cô biết được cha của Sapna đã vay một khoản tiền từ cha của người đàn ông này. Khi cha của Sapna không thể trả nợ, người cho vay đã ra điều kiện xóa nợ cho ông nếu ông để Sapna kết hôn với con trai của ông ta. Shreya đã gọi đến "đường dây nóng" của Naubat Baja và cảnh sát đã ngăn đám cưới lại. Sapna được chuyển đến một nơi tạm lánh trong 2 tháng nhưng hiện tại, em đã trở về nhà và đi học lại.
Mặc dù nạn tảo hôn bị cấm ở nhiều bang của Ấn Độ, trong đó có Rajasthan nhưng Shreya đã tận mắt chứng kiến điều này trong chính gia đình của mình. Cô cho biết, cả 2 chị của cô đều kết hôn khi chưa thành niên. "Tôi không muốn những cô gái khác bị rơi vào cái bẫy này", Shreya, người đã không phải chịu cảnh tảo hôn như những người chị của mình và đang học lấy bằng sau đại học, chia sẻ.
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), khoảng 100 triệu trẻ em gái trên thế giới có nguy cơ bị tảo hôn trong thập niên tới. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc đóng cửa trường học, căng thẳng kinh tế, gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các trường hợp mang thai ngoài ý muốn và thai phụ tử vong khi sinh. Ấn Độ có số lượng "cô dâu trẻ em" lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 tổng số toàn cầu. Mỗi năm, ít nhất 1,5 triệu trẻ em gái kết hôn ở Ấn Độ. Gần 16% trẻ em gái vị thành niên đã kết hôn.
Tại Rajasthan, các tổ chức xã hội dân sự như JAS đang đấu tranh chống nạn tảo hôn thông qua các sáng kiến như Naubat Baja để tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tác hại của tảo hôn. "Những gia đình đang gặp khó khăn trong việc mưu sinh thường tìm cách gả con gái của họ khi các em chưa đến tuổi kết hôn. Các bậc cha mẹ Ấn Độ thường cảm thấy con gái của họ sẽ được an toàn nếu kết hôn sớm. Họ nghĩ rằng con gái sẽ không bị xâm hại tình dục nếu người ta biết rằng các em đã kết hôn. Nghèo đói, thiếu giáo dục, chế độ gia trưởng và bất bình đẳng giới cũng là những yếu tố làm cho tảo hôn trở nên phổ biến ở nước này", bà Radhika Sharma, Giám đốc của JAS, cho biết.
Còn Priti Mahara, Giám đốc Nghiên cứu và Vận động chính sách của tổ chức "Child Rights and You", cho biết tác động của tảo hôn đối với trẻ em gái là suốt đời. "Bé gái có nhiều khả năng phải nghỉ học, không có khả năng kiếm tiền và hỗ trợ gia đình và cộng đồng. Các em sẽ mang thai khi còn là một đứa trẻ và chưa sẵn sàng cả về thể chất lẫn tinh thần để trở thành một người mẹ", bà Mahara nói. Giám đốc Nghiên cứu và Vận động chính sách của tổ chức "Child Rights and You" cho biết, nhiều khả năng các cô gái trẻ tử vong do các biến chứng khi mang thai và sinh nở. Điều này cũng làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ.
Tuyên truyền bằng tranh cổ động là một trong những hoạt động của chiến dịch Naubat Baja. Được ra mắt ngày 8/3/2019, Naubat Baja khai thác các tính năng của điện thoại di động để tiếp cận những vùng xa xôi hẻo lánh của Ấn Độ. Sáng kiến này được đưa ra từ một thực tế: Điện thoại di động đang là phương thức liên lạc yêu thích của giới trẻ, nhất là ở những khu vực mà người dân không có đủ điều kiện để xem truyền hình hoặc truy cập internet.
Khi gọi đến số điện thoại 7733959595 của chiến dịch Naubat Baja, các em sẽ nhận được một cuộc gọi lại, trong đó chương trình cung cấp tin tức về các cơ hội việc làm, kiến thức tổng quát và thông tin về các chương trình phúc lợi của chính phủ dành cho thanh thiếu niên. Thông điệp về các chủ đề như: Tảo hôn, bạo lực gia đình, sức khỏe của trẻ em gái vị thành niên, vệ sinh kinh nguyệt, giáo dục giới tính, kiến thức về tài chính, các quy định và biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cũng được chương trình truyền tải thông qua các vở kịch phát thanh ngắn. Chương trình được cập nhật thường xuyên và được giám sát bởi đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA).
Chương trình được phổ biến thông qua mạng xã hội, các bức tranh cổ động, các chiến dịch nâng cao nhận thức trên toàn tiểu bang. Chiến dịch được hỗ trợ tích cực từ các tình nguyện viên, lãnh đạo cộng đồng, thành viên của Panchayats (cơ quan quản lý các vùng nông thôn Ấn Độ), Anganwadi (các trung tâm chăm sóc trẻ em nông thôn) và Asha (các nhà hoạt động y tế xã hội được công nhận). Các nhân viên tuyến đầu địa phương và các thành viên của mạng lưới thanh niên như Nehru Yuva Kendra Sangathan đang được đào tạo để tổ chức các cuộc gặp gỡ và nói chuyện với trẻ vị thành niên và gia đình của các em về thông điệp mà chương trình quảng bá. Đó là một nhiệm vụ khó khăn vì theo Điều tra Sức khỏe Gia đình Quốc gia (2019-2021), có 23% trẻ em gái Ấn Độ đã kết hôn trước 18 tuổi.
Trước đó, ngày 16/12/2021, Chính phủ Ấn Độ đã nhất trí về dự luật tăng độ tuổi tối thiểu được phép kết hôn đối với nữ giới của nước này từ 18 tuổi lên 21 tuổi nhằm đảm bảo các em gái có thể hoàn thành chương trình giáo dục và tham gia phát triển kinh tế. Chính phủ sẽ bổ sung quy định trên vào Luật cấm tảo hôn năm 2006, sửa đổi Luật Hôn nhân đặc biệt năm 1954 và Luật Hôn nhân theo pháp luật của người Hindu năm 1955. Dự luật sửa đổi luật cấm tảo hôn đã được chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ấn Độ. Lần đầu tiên sau 40 năm, động thái sửa đổi độ tuổi kết hôn hợp pháp của nữ giới đã được Ấn Độ đưa ra, sau khi dữ liệu phát triển con người cho thấy, kết hôn sớm đe doạ đến việc giáo dục trẻ em gái, làm gia tăng tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên và suy dinh dưỡng. "Để đảm bảo dinh dưỡng cho các bé gái và sản phụ, điều cần thiết là phải kết hôn đúng độ tuổi", Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn