Cõng đồng đội vừa đi vừa chạy qua những điểm sạt lở đi cấp cứu
Đã qua cơn nguy kịch, sức khoẻ ổn định trở lại được 70% so với bình thường, binh nhất Nguyễn Văn Toại (SN 2003), dân tộc Tày ngồi trên gường bệnh ở Bệnh viên TƯ Quân đội 108 (Bệnh viện 108) khẽ kéo tay áo mẹ với nụ cười tươi tắn. Không thể ngờ, chàng trai biên phòng 20 tuổi này vừa bước qua "cửa tử" trở về với mẹ, với đồng đội nhờ tình đồng đội cảm động và khó quên.
Binh nhất Nguyễn Văn Toại mới nhập ngũ tháng 3 năm 2023. Toại xúc động nhớ lại: "Hôm đó là ngày 31/8, em thấy người mệt mỏi và bị sốt cao. Được anh quân y ở đơn vị chăm sóc, thuốc men đầy đủ, nhưng đến ngày thứ 3 em không ăn được gì, vì ăn vào lại bị nôn ra hết. Anh em ở Đồn đưa em đến trạm xá của xã, em lại bị co giật và khó thở, phải thở ô xy. Sau đó, điều em nhớ nhất là được 3 anh ở đơn vị thay nhau cõng qua các điểm sạt lở, lầy lội trên đường lúc trời mưa lâm thâm để đến bệnh viện huyện. Lúc đó em rất đau ngực và khó thở, nhưng nằm trên lưng đồng đội, em bỗng có cảm giác ấm áp, tự động viên mình phải gắng gượng thêm theo mỗi bước chân vừa đi vừa chạy của đồng đội mình".
Cả hệ thống cấp cứu được kích hoạt đồng bộ
Tiến sỹ, bác sỹ Đặng Việt Đức - thượng tá, Chủ nhiệm khoa hồi sức tim mạch Bệnh viện 108 cho biết: Hôm ấy, tôi nhận được thông tin từ Bệnh viện Hà Giang về trường hợp của binh nhất Nguyễn Văn Toại vào lúc 22h30, tôi đến ngay bệnh viện để cùng ê kíp sẵn sàng mọi phương án cấp cứu sớm nhất có thể. Nhận được các thông số về điện tim và tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân, tôi đã nghĩ bệnh nhân có thể bị viêm cơ tim. Đây là trường hợp nguy hiểm, diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao. Mọi thông tin xấu nhất cũng đã được thông báo đến gia đình người bệnh từ Bệnh viện Hà Giang, với điều kiện "còn nước còn tát". Vì vậy, 23h đêm gia đình và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang quyết định chuyển viện trong đêm xuống Hà Nội.
4h sáng, bệnh nhân Toại được đưa đến Bệnh viện 108 trong tình trạng mệt mỏi, có lúc tim ngừng đập. Cả hệ thống cấp cứu được kích hoạt đồng bộ, nhanh nhất có thể với phương pháp tối ưu và máy móc hiện đại. Điều kỳ diệu là bệnh nhân Toại dần chuyển biến tốt lên rất nhanh. Đến ngày thứ 3, bệnh nhân đã gần như hồi phục hoàn toàn, không cần máy móc hỗ trợ nữa.
"Điều kỳ diệu vẫn đến với gia đình tôi"
Ngồi bên giường bệnh của con trai, bà Phan Thị Thơm, mẹ của binh nhất Nguyễn Văn Toại không khỏi nghẹn ngào rưng rưng nước mắt cho biết: "Vợ chồng tôi làm ruộng, Toại là con trai thứ 2, trên nó là anh trai ở nhà làm cùng bố mẹ. Vừa tròn 20 tuổi, Toại đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, mong muốn được làm lính biên phòng, tôi chỉ biết động viên con vào đơn vị nhận nhiệm vụ canh giác biên giới phải ngoan. Khi cấp trên giao nhiệm vụ nào cũng phải gắng hoàn thành cho tốt. Nghe tin con bị bệnh nặng, bác sỹ bảo gia đình chuẩn bị tinh thần với tình huống xấu nhất, tôi đã nghĩ sắp mất con rồi, không biết con có thể trở về với bố mẹ được nữa không. May sao điều kỳ diệu vẫn đến với con, với gia đình tôi".
Là người theo sát và túc trực từ ngày đầu khi đưa Nguyễn Văn Toại đi cấp cứu, thượng tá Nguyễn Xuân Đồng, Chính trị viên Đồn biên phòng Xín Cái cười nhẹ nói: "Trước hôm Toại đi cấp cứu, vùng biên mưa tầm tã nhiều ngày. Việc đưa Toại từ trạm y tế xã ra bệnh viện huyện cũng gặp khó khăn do nhiều đoạn đường bị sạt lở. 3 anh em trong đơn vị luân phiên cõng Toại qua từng chặng đường đi cấp cứu. Thi thoảng vẫn hỏi xem Toại còn tỉnh không, anh em chỉ nỗ lực làm sao cõng Toại đến bệnh viện nhanh nhất, bởi chỉ bước chậm 1 bước thôi đã sợ không kịp cứu sống đồng đội nữa".
Nghe đồng chí Chính trị viên Đồn kể lại, binh nhất Nguyễn Văn Toại chỉ biết nắm chặt tay mẹ mình, chàng trai biên phòng khẽ giơ 2 tay lên kiên định bảo: "Em khoẻ rồi này. Em nhớ các anh em ở Đồn lắm, em mong sớm được về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ". "Em nghĩ khi được trở về đơn vị, nếu sức khoẻ cho phép em sẽ phấn đấu hết mình để được là sỹ quan biên phòng, cống hiến cả đời bảo vệ biên giới của Tổ quốc" - gương mặt chàng trai biên phòng tuổi hai mươi ánh lên nụ cười tươi tắn, kiên định bày tỏ niềm mong ước của mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn