Khi nghĩ về thiệt hại do chiến tranh gây ra, chúng ta thường nghĩ đến hậu quả về mặt vật chất như thương tích và cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Tuy nhiên, những "vết sẹo" tinh thần do chiến tranh để lại cũng nhức nhối không kém.
Những người bị ảnh hưởng bởi xung đột có thể chứng kiến các sự kiện đau thương, phải rời bỏ nhà cửa, xa cách gia đình, phải chịu bạo lực về thể xác và tình dục hoặc bị buộc phải cầm vũ khí chiến đấu.
Tất cả những trải nghiệm này đều làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần nghiêm trọng như rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), trầm cảm và lo âu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, cứ 5 người tiếp xúc với xung đột thì có hơn 1 người mắc chứng rối loạn tâm thần, trong đó khoảng một nửa là nghiêm trọng.
Nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra rằng, có 227 triệu người lớn sống sót sau chiến tranh có thể bị PTSD, 199 triệu người bị trầm cảm nặng và 110 triệu người bị cả hai vấn đề này. Thế giới hiện có hơn 449 triệu trẻ em phải sống trong vùng xung đột.
Đối tượng dễ bị tổn thương này đang phải vật lộn với chấn thương, với những biểu hiện như thu mình về mặt cảm xúc và tự cô lập. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, các em có thể tự làm hại bản thân, lạm dụng chất gây nghiện, thậm chí là tự tử như một cách để giải thoát.
Một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần đang diễn ra ở Gaza. Chiến tranh tàn khốc diễn ra một năm qua khiến 2,4 triệu người dân Gaza phải chịu đựng một thảm kịch nhân đạo chưa từng thấy.
Cuộc xung đột đã cướp đi mạng sống của gần 42.000 người Palestine, 100.000 người khác bị thương, 60% số công trình nhà cửa, bệnh viện, trường học, đường sá… bị phá hủy. Cuộc chiến cũng để lại những "vết sẹo" tinh thần có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho rằng, hầu hết trẻ em ở Gaza đều cần hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý vì các em là những người dễ bị tổn thương nhất. Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cảnh báo rằng, trẻ em ở Gaza sẽ phải đối mặt với những di chứng có thể ảnh hưởng tới thế hệ sau.
Nhiều trẻ em ở Gaza đã mất người thân, đau khổ nhất là mất đi cha hoặc mẹ, cả hai hoặc thậm chí là cả gia đình. Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, đến nay, có hơn 13.000 trẻ em tử vong vì bom đạn, 19.000 trẻ không có người đi kèm hoặc đã bị tách khỏi cha mẹ và hàng trăm nghìn em khác đang sống trong đói khát, đốt mặt với tương lai bất định.
Nhà tâm lý học Davide Musardo cho biết, ông đã thấy nhiều trẻ em ở Gaza bị phản ứng căng thẳng cấp tính, bị lên cơn hoảng loạn hoặc la hét ngay cả khi đã được tiêm thuốc an thần. Các em khác có thể bị chấn thương quá nặng do những gì chúng đã trải qua, chẳng hạn như mất cha mẹ, đến mức các em sống khép kín và không thể hiện bất kỳ cảm xúc nào.
Còn phụ nữ Gaza cũng đang cần sự hỗ trợ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội (MHPSS) do tình trạng thiếu hụt nguồn lực đáp ứng các nhu cầu sinh tồn cơ bản, bạo lực trên cơ sở giới (GBV) gia tăng.
Hơn 500.000 phụ nữ Gaza đã mất quyền tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc trước và sau sinh, kế hoạch hóa gia đình và điều trị nhiễm trùng. Hơn 17.000 phụ nữ mang thai đang trong giai đoạn đói nghiêm trọng.
Người già và người khuyết tật đã mất quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, hỗ trợ xã hội và các thiết bị hỗ trợ, gây ra cảm giác bất lực, cô lập và nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội cao hơn.
Còn tại Lebanon, theo UN Women, các cuộc giao tranh dữ dội bắt đầu vào tháng 10/2023 và leo thang kể từ ngày 23/9/2024 làm gián đoạn sinh kế của phụ nữ nước này và làm tăng nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn, thực phẩm, sức khỏe và hỗ trợ tiền mặt của họ.
Tính đến đầu tháng 10/2024, ước tính có 520.000 phụ nữ và trẻ em gái phải di dời và rất cần nơi trú ẩn và sự an toàn. Khoảng 11.600 phụ nữ mang thai ở Lebanon, trong đó có khoảng 4.000 người dự kiến sẽ sinh con trong 3 tháng tới. Họ có nhu cầu dinh dưỡng và sức khỏe cấp thiết cũng như nhu cầu về sự an toàn, hỗ trợ tâm lý.
Trong khi đó, Tổ chức "Save the Children" đã cảnh báo mối lo ngại ngày càng tăng về tác động tâm lý đối với trẻ em Lebanon. Nhiều em trong số đó đang có dấu hiệu đau khổ nghiêm trọng do phải di dời và chứng kiến những trận pháo kích liên tục. Tất cả các trường học ở Lebanon đã đóng cửa, ảnh hưởng đến 1,5 triệu trẻ em của đất nước này.
Các cuộc xung đột khác diễn ra ở Afghanistan, Nigeria và Sudan cũng cho thấy sự đáng báo động về tầm quan trọng của việc theo dõi và giải quyết những vấn đề sức khỏe tâm thần trong các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Ở Afghanistan, hơn 4 thập kỷ xung đột liên tục đã khiến nhiều người Afghanistan mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Kể từ khi Taliban lên nắm quyền, sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái làm tăng thêm những thách thức về sức khỏe tâm thần vốn đã trầm trọng của họ.
Một loạt các cuộc tham vấn của Liên hợp quốc cho thấy, hầu hết phụ nữ nước này đều cảm thấy lo lắng, cô lập và trầm cảm.
Ở Nigeria, xung đột với Boko Haram và các nhóm phiến quân khác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của cộng đồng ở vùng Đông Bắc nước này, nơi mà tình trạng bắt cóc, phá hủy nhà cửa và cưỡng bức do các nhóm phiến quân gây ra trở nên phổ biến.
Tương tự, ở Sudan, cuộc giao tranh đang diễn ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan và lực lượng bán quân sự Rapid Support Force đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của người dân trong nước.
Hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa và có những báo cáo đau lòng về tình trạng bạo lực tình dục lan rộng cùng các tội ác khác nhằm vào phụ nữ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn