Chiềng Khương là xã giáp biên với nước bạn Lào. Tên xã cũng là tên cửa khẩu cạnh dòng sông Mã thơ mộng. Sau cả chục năm, tôi mới có dịp trở lại xã biên giới này. Điều dễ nhận thấy nhất là điện đường, trường, trạm, đặc biệt là đường vào các bản đã được bê tông hóa. Bà con đi lại vô cùng thuận tiện. Cái đói, cái nghèo đã được đẩy lùi, chị em phụ nữ cùng chung tay giúp nhau vươn lên làm giàu.
Hiến đất làm đường
Con đường bê tông dẫn vào bản Quyết Thắng rộng thênh thang. Buổi sáng nơi miền sơn cước thật vui nhộn. Đám trẻ í ới gọi nhau đi học. Thay vì phải đưa con em đến trường, đến giờ bà con trong xóm chỉ cần sắm cho con cái xe đạp là trẻ tự đến lớp. Đường bê tông nối liền với trường học nên trẻ em đi xe đạp dễ dàng. Có được con đường rộng rãi như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp không nhỏ của bà con trong bản.
Khi xã vận động bà con tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, ai cũng hết lòng ủng hộ. Vấn đề là các tiêu chí đặt ra thì nhiều, nguồn lực của xã hạn chế. Trong những cuộc họp bản, vấn đề này được đưa ra để toàn dân bàn bạc. Bà con cùng bàn, cùng làm và cùng thực hiện, nên việc nước, việc bản cứ theo thế mà chạy bon bon.
Hôm chúng tôi đến bản Quyết Thắng, vợ chồng ông Vũ Thừa Hiến vừa đi làm về. Ông bà chở theo cả đống rau lợn sau chiếc xe máy. Chưa kịp mời khách vào nhà, vợ ông Hiến đã khoe: "Có đường rộng nên xe cơ giới mới chở được vật liệu vào tận bản. Nhà bán nông sản thuận lợi hơn, chứ không khó khăn như ngày trước. Đến giờ tôi mới thấy, việc mình hiến 5000m2 đất để mở rộng đường là đáng giá thế nào".
Cũng giống như ông Hiến, cả trăm hộ dân khác của bản Quyết Thắng đã đồng lòng để đơn vị thi công mở rộng đường. Đường rộng đến đâu thì họ hiến đất đến đó. Nhờ vậy mà việc làm đường giao thông nông thôn nơi đây sớm hoàn thành.
Bà con trong bản còn có cách làm sáng tạo khi tham gia làm đường giao thông nội bản. Nhà nước hỗ trợ xi măng, để tiết kiệm tiền mua vật liệu, bà con đã tận dụng nguồn cát ở sông, suối tại địa phương. Mỗi nhà vận động 1 người đi khai thác. Nhờ vậy mà tất cả những đường ngang, ngõ tắt chạy qua bản đều được bê tông hóa.
Câu chuyện xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao biên giới này quả là có nhiều cách làm sáng tạo. Ở mỗi bản, cán bộ là người khởi xướng, bà con cùng nhất tề tham gia. Dù nguồn lực về tiền bạc ở địa phương có hạn nhưng mỗi nếp nhà cùng đồng lòng đóng góp sức người, sức của cho phong trào.
Xã Chiềng Khương có 21 bản, trong đó 8 bản giáp biên giới với Lào. Đây là xã điểm của tỉnh Sơn La về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", bên cạnh ngân sách Nhà nước gần 20 tỷ đồng, còn lại nhân dân đóng góp trên 7 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay, tất cả các bản trong xã đều hoàn thiện hệ thống đường giao thông, 100% bản có nhà văn hóa.
Nổi bật là phong trào hiến đất làm đường giao thông lan rộng ra toàn xã, tiêu biểu là bản Quyết Thắng, bản Búa, bản Híp... Xã đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức đoàn thể, các bản đăng ký hoàn thành đổ bê tông đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, phân công các thành viên trong ban chỉ đạo phụ trách các bản trực tiếp tuyên truyền, vận động bà con đóng góp ngày công lao động, vật liệu và hiến đất làm đường. Để hoàn thành 170 tuyến đường giao thông nội bản, dài gần 50km, nhân dân trong xã đã đóng góp hơn 31.000 ngày công lao động, gần 1.500 m³ cát, hiến trên 12.000 m² đất, chặt hơn 600 cây nhãn, xoài để mở rộng tuyến đường.
Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo
Những con đường bê tông nối liền các bản đã cơ bản hoàn thành. Xã Chiềng Khương đã được công nhân là xã Nông thôn mới. Tuy nhiên, ở đâu đó trong bản Thái, bản người Xinh Mun vẫn còn có nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Trong những năm vừa qua, tiếp tục phát huy tinh thần tương thân, tương ái, Hội LHPN xã Chiềng Khương đã huy động hội viên khá giúp hội viên nghèo. Gia đình chị Lò Thị Phúc ở bản Đen vừa được Hội trao cho 1 con bò cái sinh sản. Chị Phúc vui lắm. Nhà chị nghèo, nương lại ít, không có điều kiện phát triển kinh tế. Nay được Hội hỗ trợ 1 con bò sinh sản, chị sẽ chăm sóc nó thật tốt.
Cũng giống như gia đình chị Phúc, 12 hội viên khác đã được Hội LHPN xã tặng bò sinh sản. Đây là món quà mà các hội viên, phụ nữ tặng cho các hội viên nghèo. Theo chị Lò Thị San, Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Khương, năm 2017, Hội đã phát động phong trào mỗi phụ nữ góp 5.000đ/năm. Số tiền này, Hội sẽ mua bò để hỗ trợ những hội viên có hoàn cảnh khó khăn. "Từ nguồn đóng góp của chị em, mỗi năm Hội trao được 1 con bò sinh sản cho hội viên. Điều đáng nói từ nguồn hỗ trợ ban đầu này, các hội viên có cơ hội để thoát nghèo", chị San cho biết.
Chị San làm công tác Hội đã hơn 30 năm nên hiểu được nỗi vất vả của hội viên ở các bản xa. Khi xã phát động toàn dân xây dựng nông thôn mới, chị cũng đã bám sát những nhiệm vụ chung và kết hợp với các nhiệm vụ của Hội. Những năm đầu xây dựng nông thôn mới, chị em nghe qua còn nhiều bỡ ngỡ. Song, khi Hội triển khai những nhiệm vụ cụ thể, các hội viên lại rất dễ dàng thực hiện.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn