Theo dự báo của Trung tâm KTTVTƯ, 10 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão số 3 ở ngay trên vùng ven biển các tỉnh Hải Phòng-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 11-13. Với sức gió này, có thể tạo những cột sóng cao hàng chục mét ở ngoài biển, gây nguy hiểm cho tàu thuyền lớn hoạt động trong vùng bão. Tại đất liền, bão có thể làm đổ nhà, tốc mái, đổ cây cối, cột điện, người dân cần tránh ra đường lúc mưa bão để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Ảnh hưởng của bão số 3, nhiều cây to bị đổ do trận mưa to và gió giật tối 18/8 tại Hà Nội |
23h đêm 18/8, bão Dianmu đổ bộ vào huyện đảo Bạch Long Vỹ (TP Hải Phòng) với gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Ông Đào Trọng Tuệ, Phó chủ tịch huyện đảo cho biết, bão vào nhưng gió không lớn, công tác đón bão được chuẩn bị tốt nên toàn huyện an toàn, các công trình xây dựng, tàu thuyền neo đậu tránh trú tại âu cảng không bị ảnh hưởng.
Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, phía Bắc Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 8-10, giật cấp 11-13. Dự báo chiều và tối 19/8, bão di chuyển theo hướng Tây và đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Ninh Bình, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10-12.
Hiện trường tại 1 tuyến phố sau ở Q.Long Biên, Hà Nội do ảnh hưởng cơn bão số 3 |
Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, phía Bắc Thanh Hóa tiếp tục có gió mạnh cấp 8-10, giật cấp 11-13. Các nơi khác thuộc vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ và Nghệ An, Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-10. Vùng ven biển từ Nam Quảng Ninh đến Nam Định có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3-4m.
Đêm 19 ngày 20/8, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực thượng Lào.
Ứng phó với cơn bão mạnh này, Thủ tướng Chính phủ đã phân công ba Phó Thủ tướng trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống bão tại các địa phương nằm trong vùng tâm bão. Mục tiêu cao nhất là không bị động, bất ngờ, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân, Nhà nước.
Công nhân cây xanh đang nỗ lực dọn dẹp cây đổ do ảnh hưởng trận mưa tối 18/8 tại Hà Nội |
Rút kinh nghiệm từ hai cơn bão đầu tiên gây nhiều thiệt hại, các địa phương đã tích cực chống bão Dianmu.
Tại TP Hải Phòng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cho biết, từ chiều 18/8, công tác phòng chống bão đã hoàn tất. Các phương tiện thủy bị cấm xuất bến và hoạt động trên sông biển; cửa khẩu, cống xung yếu qua đê đã được hàn khẩu và tổ chức di chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Người dân không chịu di chuyển sẽ bị cưỡng chế. Hôm nay các trường học từ bậc học mầm non đến cấp trung học phổ thông được nghỉ.
Tại Thái Bình, từ chiều ngày 18/8, 2.923 tàu thuyền cùng 3.540 lao động trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn. Đến 10h sáng 19/8, 100% chòi ngao không còn lao động ở đó. Đồng thời, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão của tỉnh Thái Bình rất quyết liệt trong việc di dời hơn 10.000 người dân ngoài đê chính vào trong bờ tránh bão, di chuyển hơn 13.000 người dân ở các chòi yếu tới nơi an toàn.
Tại Nam Định, đến 17h00 chiều 18/8, 2.034 tàu thuyền với khoảng 5.128 lao động, 100% đã về bờ neo đậu tránh trú an toàn. 9h sáng 19/8, 732 lều chòi nuôi trồng thuỷ sản với khoảng 880 lao động đều được di chuyển về nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, hơn 2.100 hộ dân sống ở ven sông, cửa biển với khoảng 5.500 người đã di dời đến nơi an toàn.