Lúc con học lớp 1, tiền vứt lung tung ở nhà, bé Huyền Thu (con chị Phương) chẳng màng đến. Tiền mừng tuổi, tiền ông bà cho, có bao nhiêu bé đều đưa cho mẹ. Thế nhưng, từ ngày lên lớp 2, bắt đầu biết tiêu tiền, bé thỉnh thoảng lại nhặt vài tờ tiền ở trên bàn để mua đồ ăn vặt ở trường. Biết con lấy tiền mua đồ, chị Phương không để tiền lung tung. Thế nhưng, dù đã cất tiền cẩn thận, không ít lần chị Phương vẫn phát hiện tiền đã không cánh mà bay.
Bởi, chỉ một vài giây rửa tay, tờ 100, 200 nghìn trong túi để được cô con gái lấy nhanh như cắt. Tiền cất trong tủ phòng ngủ, cô cũng để ý và đều đều rút một vài tờ mà mẹ không để ý. Chị luôn nghĩ, con đã được đáp ứng mọi thứ, chẳng có lý gì phải lấy trộm tiền. Thế nhưng, chị không biết, nhu cầu tiêu của con đã trở thành thói quen và ngày càng tăng: Mua đồ ăn vặt cho các bạn, mua đồ chơi, một đồ giống bạn…
Ban đầu, chị còn nhẹ nhàng nói chuyện với con, thế nhưng, hiệu quả không thấy mà cấp độ ngày càng gia tăng. Có những lúc, quá bất lực, chị đã đánh con túi bụi, để con biết “ăn trộm là tội xấu nhất, là tội đáng chết”. Thế nhưng, thói quen lấy tiền của con vẫn cứ không dứt.
Mới đây nhất, thấy con xin mẹ đóng tiền học ngoại khóa, chị cho tiền vào phong bì để con mang đến nộp cho cô giáo. Chiều đi làm về sớm, thấy con đang mua đồ ở cửa hàng gần trường, chị giật mình. Hỏi ra mới biết, số tiền học lẽ ra phải nộp cho cô thì con đã tiêu gần hết. Con khai, mua đèn laser cho mấy bạn trong lớp, ngoài ra còn mua đồ ăn để “dụ” các bạn trong lớp chơi cùng.
Chị ức đến phát khóc. Lẽ nào việc sửa thói quen xấu này là không thể. Chỉ có thể là chị chưa biết cách mà thôi. Thế nên, chị gọi điện cho chuyên gia tâm lý để xin tư vấn. Hôm sau, chị thể hiện sự buồn bã, đau khổ và tâm sự với cô con gái rằng mẹ vừa lĩnh lương nhưng bị trộm móc túi và mất hết tiền.
Chị ủ ê và than vãn rằng, không biết sống bằng gì nếu không có tiền. Suốt 10 ngày sau đó, cả nhà chỉ ăn đậu phụ và rau, chị cũng không dám mua bán gì dù là những thứ nhỏ nhất. Thậm chí, nhân viên thu tiền điện, nước, chị cũng vờ... khất nợ…
“Vở kịch” đó được chị thể hiện trước mặt con gái để con hiểu cảm giác đau khổ của người bị mất trộm, để con hiểu hành vi ăn trộm là vô cùng xấu. Sau những ngày cả nhà không có tiền, thậm chí không có tiền để mua bút chì cho con, bé Huyền Thu thực sự cám cảnh cho hoàn cảnh của mẹ và ghét tên kẻ trộm độc ác. Dần dần, bé đã bớt hẳn thói quen móc tiền trong túi mẹ.
Thỉnh thoảng, chị Phương vẫn kể những câu chuyện người quen bị mất túi hay những câu chuyện lấy trộm đồ được chia sẻ trên mạng để con biết được đây là hành động rất xấu. Chị cũng luôn cất tiền rất cẩn thận mỗi khi về nhà, bởi chị lo dù con đã thay đổi, nhưng thấy tiền trước mắt, bé sẽ khó có thể “cầm lòng” và lâu dần sẽ trở thành thói quen khó sửa.