Chiêu 'mạnh tay' của bà mẹ chồng

07:07 | 30/11/2015;
Từ ngày về hưu, bà Vân tích cực hoạt động Hội phụ nữ khu phố, nhưng thực chất các bà túm năm tụm ba “buôn dưa lê”, mà chủ đề rôm rả nhất lúc nào cũng là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu.
Một hôm, sau khi bà Tổ trưởng phổ biến chương trình hoạt động 2 quý đầu năm, chẳng ai bảo ai, các bà lại tự chia nhóm rồi bàn tán xôn xao về những "scandal" mới xảy ra trong khu phố.
Bà tóc xoăn khơi mào: "Không biết các bà nghĩ thế nào, theo tôi, phận làm dâu thì đừng quá khách sáo đến nỗi cứ phải nịnh nọt hay biếu xén lấy lòng bố mẹ chồng, để rồi bị cho là giả tạo. Nhưng cũng đừng quá suồng sã đến nỗi cái gì cũng có thể chê thẳng thừng, để rồi làm mất lòng người khác. Là bậc cha mẹ cũng đừng quá xét nét con dâu, bởi sau thời gian chung sống thì dâu rể gì cũng là con mình, hãy cứ coi con dâu như con gái thì chắc chắn mẹ chồng - nàng dâu sẽ hiểu và thông cảm với nhau hơn".
Kết thúc màn "hùng biện" hoành tráng, chưa ai kịp phản hồi thì bà tóc xoăn đã kịp đánh mắt sang bà Vân, gợi chuyện: "Ô hay, hôm nay đến lượt bà Vân tâm sự cơ mà, sao bà cứ im ỉm thế? Nếu có khúc mắc ở đâu, bà phải nói ngay, có gì chị em sẽ giúp đỡ".

 Cô con dâu "tinh ăn" lại mau mồm mau miệng đôi khi khiến mẹ chồng phát ngại và khó chịu

Chỉ chờ có thế, bà Vân xả một tràng: "Không biết nàng dâu quý hóa nhà các bà thế nào, nhưng danh hiệu "nàng dâu khéo ăn" thì nhất định phải thuộc về con dâu tôi. Nó vốn “tinh ăn”, lại quá thẳng tính nên cứ hễ ăn món gì ngon hay không là nó lại “phát biểu ý kiến”. Hồi mới về làm dâu, thấy vợ chồng tôi kỳ cạch làm món nem rán không cho hành tây vì ông nhà tôi bị dị ứng với hành, thế là nó ý kiến ngay: “Con thấy nem rán mà không cho hành tây thì mất cả ngon, chả thấy mùi thơm, nhà mình ăn gì mà kỳ lạ quá!”. Tôi biết nó không có ác ý, nhưng ít nhiều cũng khiến ông nhà tôi phật lòng. Lần khác, khi tôi đang nấu cơm, nó liếc thấy tôi cho tất cả cà chua vào nồi nước canh, nó liền kêu toáng lên: “Sao mẹ không xào cà chua trước chứ, thế này thì canh làm sao có màu được, nhìn chẳng ngon mắt đâu”. Bực ở chỗ nó không hề để ý thái độ của tôi, nếu tinh ý ra, chắc chắn nó phải thấy tôi đang dành cho nó ánh mắt không mấy thiện cảm. Rồi không ít lần khác nữa, ngồi vào mâm cơm, món nào nó nấu thì không sao, nhưng người khác nấu là thế nào nó cũng cho nhận xét: Món khoai tây chiên này cháy thế, canh cà bung mà chả thấy mùi thơm của cà đâu, sao rau luộc lại đỏ như vậy? Dù không ít lần bị tôi nhắc nhở, nhưng hình như thói quen “làm giám khảo” đã ăn sâu vào máu nên nó chẳng thay đổi được là bao".
Bức xúc thay cho bà Vân, bà Tổ trưởng cũng phải lên tiếng: "Giời ơi, với những đứa cứng đầu và thích dạy đời như thế thì bà phải có biện pháp mạnh, nhắc nhở nhỏ nhẹ chẳng những nó không nghe mà nó còn cười sau lưng bà. Nói thật, con gái ruột như thế mình còn ức nữa là con dâu. Để tôi bày cho bà cách này nhé!".

Sau nhiều lần góp ý với con dâu không thành bà Vân đành nhờ đến sự hỗ trợ của những bà bạn trong tổ dân phố

***
Sau khi lĩnh hội phương pháp "đặc trị" cô con dâu tinh quái từ bà Tổ trưởng, bà Vân có vẻ khá đắc ý. Về nhà, bà không tìm cách "chỉnh" con dâu nữa, cô con dâu càng được đà lấn tới, bữa ăn nào mà không có "món" phàn nàn thì hình như nó không thấy... ngon miệng.
Cuối tuần có khách đến chơi nhà, bà Vân mời khách ở lại dùng bữa, thấy con dâu bà Vân đon đả bưng ra nhiều món ăn được trang trí rất bắt mắt, khách không ngớt lời khen ông bà Vân có cô con dâu khéo nấu nướng. Chỉ chờ có thế, bà Vân cười tủm tỉm: "Tôi tốt phước mới rước về được cô con dâu có mồm “tinh” ăn, nấu ăn ngon hơn hẳn cả nhà, thế nên mẹ chồng mà nấu là con dâu thấy khó nuốt lắm”.
Trong khi cô con dâu sạm mặt vì xấu hổ với khách thì bà Vân lại được phen hả hê, bà nhủ thầm trong bụng: "Công nhận! Cứ phải dùng biện pháp mạnh mới ăn thua!".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn