Học sinh tranh thủ ăn cơm ngay giữa đường để tranh thủ kịp giờ học thêm. Ảnh minh họa: internet. |
Học sinh đi học thêm quá nhiều, học không có thời gian nghỉ ngơi, triền miên từ sáng đến đêm là chuyện quá quen thuộc, nhất là ở thành thị. Con học ở trường cả ngày đã vô cùng mệt mỏi, căng thẳng, bố mẹ đợi đón ở cổng trường, đưa cho con cái bánh mì, gói xôi… để con "nạp" chút năng lượng trước khi học thêm. Không chỉ học thêm 1 ca, nhiều học sinh THPT học 2 ca trong một buổi tối. Học quần quật từ sáng đến tối, những đứa trẻ tuổi ăn tuổi lớn cũng cảm thấy kiệt sức.
TS Giáo dục Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, việc các cha mẹ đua nhau cho con đi học thêm vì luôn nghĩ học chính không thể đủ được. Thực tế, học thêm không bổ sung kiến thức mà chỉ bổ sung các kỹ năng làm bài tập cho học sinh. Vậy mà, học thêm biến thành một thứ không thể thiếu được trong đầu các học sinh và phụ huynh.
Đầu tiên là cấp tiểu học. Vì bận việc, vì muốn nghỉ ngơi sau giờ làm, các cha mẹ sẽ tìm người trợ giúp con. Đó chính là các cô, các anh, chị gia sư. Con đã không có tính tự giác, nay càng có cớ để ỉ lại. Học thêm tiếng Việt, toán, tiếng Anh cũng được các cha mẹ đăng ký ngay từ khi con học tiểu học. Bởi các cha mẹ luôn sốt ruột khi con bị điểm kém và mong với việc đi học thêm con sẽ được toàn điểm 10.
Ở THCS, môn học nhiều hơn, điểm số rõ ràng là áp lực hơn, do vậy các cha mẹ cũng hoảng hốt hơn. Tiếp tục nhờ vả vào cô giáo là cách tuyệt nhất để cha mẹ xử lý được vấn đề. Vì vậy, mọi việc được chuyển thành: Học cô nào, thầy nào, ai đưa đón và giờ giấc ra sao?
Nhìn những đứa trẻ không có nổi bữa ăn tử tế ở nhà khiến không ít cha mẹ nhói lòng. Ảnh minh họa: internet. |
Đôi khi, cha mẹ cũng cho con đi học thêm vì thấy ở nhà con toàn chơi điện tử. Vấn đề chính là cuộc sống của con quá nghèo nàn khi cha mẹ không tin tưởng giao việc nhà cho con đồng thời cũng không cho con tham gia thể thao hay sinh hoạt các câu lạc bộ.
Lên THPT, hầu như chẳng cha mẹ nào có thể yên tâm là con sẽ đỗ đại học nếu không học thêm. Bọn trẻ nói với nhau: Cuộc đời chia làm 3 phần: Trường lớp, lớp học thêm và giường ngủ. Có đứa trẻ còn than thở là cả tuần chẳng có 1 bữa ăn nào với bố mẹ, không nói được câu gì với ai và đôi khi còn chẳng nhìn thấy bố nữa (bố hay đi sớm về muộn).
TS. Vũ Thu Hương cũng cho biết, với sự nghiên cứu và quan sát của chị, bọn trẻ đi học thêm cũng không hề khá hơn là không đi học. Do lớp học thêm chỉ giải bài tập. Các dạng bài tập được thầy cô tổng kết lại và chỉ cho các cách giải. Học sinh học thuộc lòng rồi cứ thế mà diễn.
Bọn trẻ không đi học thêm thì sẽ tự tìm bài tập trong sách tham khảo, trong vở học thêm của bạn bè. Chúng tự tìm hiểu được và cũng làm được các bài tập đó. Đồng thời, chúng có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu sâu về lý thuyết. Do vậy, đôi khi, chúng hiểu bài và làm bài tốt hơn trẻ học thêm.
Bọn trẻ không học thêm thường tự giác hơn trẻ học thêm. Đơn giản vì khi chúng đã vài lần trả giá cho sự lơ là học hành, chúng sẽ biết phải làm gì để không còn bị phạt nữa. Thêm nữa, chính vì không đi học thêm, bọn trẻ đó phải tự tìm kiếm sách. Chúng đọc nhiều hơn, khám phá nhiều hơn và kiến thức thu được nhiều hơn.
Học thêm quá nhiều, thời gian làm bài tập trên lớp cũng như bài tập học thêm không có sẽ khiến trẻ đôi lúc còn học yếu hơn. Ngoài ra, áp lực thời gian quá nặng nề đôi khi sẽ là nguyên nhân dẫn đến stress. Mà khi đã stress, trẻ rất khó tiếp thu được bài. Nếu các cha mẹ cảm thấy lo lắng vì con mình chưa tự giác, hãy tạo các nhóm học tập cho các con. Có bạn bè cùng học, chúng sẽ thích học hơn.