Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cắt giảm chi phí thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân!

10:39 | 28/01/2021;
Cải cách thủ tục hành chính, tài chính công, đẩy mạnh "Chính phủ điện tử"… là những nội dung sẽ được Bộ Nội vụ triển khai thực hiện trong giai đoạn tới, liên quan đến Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước.

Đơn giản, công khai thủ tục hành chính

Sáng 28/1, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tham luận về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và những giải pháp trong giai đoạn tới

Theo bà Thanh Trà, cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 10 năm qua đã có nhiều cải tiến đáng kể, thúc đẩy phát triển kinh tế đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế toàn cầu hóa.

Đặc biệt, về cải cách thủ tục hành chính, theo nữ Thứ trưởng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp; hình thành các cơ chế, chính sách ưu đãi và các thủ tục hành chính thuận lợi theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ...

"Thủ tục hành chính theo đó được đơn giản hóa, công khai hơn" – bà Trà nhìn nhận.

Một điểm sáng trong việc thực hiện Chương trình Tổng thể, theo bà Phạm Thị Thanh Trà là bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương bước đầu đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý và đơn vị sự nghiệp.

"Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cắt giảm chi phí thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân!" - Ảnh 1.

Thủ tục cải cách hành chính đã được cải thiện đáng kể, theo đánh giá của Bộ Nội vụ. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cải cách tài chính công đã đạt được kết quả tích cực; công tác quản lý tài chính, ngân sách có nhiều chuyển biến rõ nét; việc giám sát chi tiêu bằng quy chế chi tiêu nội bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực, làm tăng tính hiệu quả của chi tiêu công, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, từng bước tăng tính minh bạch trong thực hiện ngân sách.

Và cuối cùng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng "Chính phủ điện tử", "Chính quyền điện tử" là kết quả nổi bật trong triển khai Chương trình tổng thể. Các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các bộ, ngành, địa phương từng bước xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử; đô thị thông minh; tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, triển khai xây dựng nhiều phần mềm, cơ sở dữ liệu nền tảng. Kết quả nổi bật là việc phát triển hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã cho tới mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tập trung cấp tỉnh; các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng mở rộng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số, phương thức hoạt động, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và hệ thống cơ quan hành chính các cấp ở địa phương đã có nhiều đổi mới theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, từng bước tiến tới một nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp.

Phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số

Trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để thực hiện hiệu qua hơn các vấn đề về cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số...

Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, giảm thiểu chi phí giao dịch phi chính thức, tăng cường công khai, minh bạch, tăng cường phòng, chống tham nhũng trong nền kinh tế.

Một giải pháp quan trọng nữa, theo bà Trà là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ công của bộ máy hành chính nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế.

Cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bãi bỏ các thủ tục hành chính đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo bà Thanh Trà, Bộ Nội vụ sẽ triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phục vụ của cơ quan hành chính các cấp theo hướng công khai, minh bạch, hiện đại.

"Chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá. Thường xuyên khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính" – Thứ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn