Bạo lực gia đình tăng hơn 30% kể từ khi phong tỏa vì Covid-19
Tình trạng bạo lực gia đình trở nên tồi tệ hơn rất nhiều kể từ khi Pháp thực thi lệnh phong tỏa để chống lại đại dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa toàn quốc tại Pháp kéo dài từ ngày 17/3 dự kiến đến hết ngày 15/4/2020. Theo đó, không ai được phép rời khỏi nhà trừ trường hợp mua thực phẩm, thuốc men, khám bệnh, tập thể dục hoặc dắt chó di dạo.
Hàng năm có khoảng 220.000 phụ nữ Pháp là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Những con số đáng báo động về nạn bạo hành gia đình gia tăng đã khiến Pháp trở thành một trong những quốc gia Âu châu có số lượng phụ nữ bị sát hại nhiều nhất do vấn nạn này, với tỷ lệ 0,18 trường hợp trên 100.000 phụ nữ.
Nguồn: Văn phòng Thống kê châu Âu
Với nhiều người, việc phải ở yên trong nhà vì Covid-19 chỉ là khó khăn hoặc bất tiện nhưng nó trở thành cơn ác mộng thực sự đối với các nữ nạn nhân của bạo lực. Sự can thiệp của cảnh sát giảm đi, nhiều tòa án đóng cửa… cũng là những nhân tố khiến bạo lực gia đình có khả năng gia tăng. Trong tháng 3/2020, chính phủ Pháp cho biết số trường hợp bạo lực được báo cáo với cảnh sát đã tăng 36% ở Paris và 32% ở nhiều nơi khác sau khi lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực từ 17/3. Trong đó bao gồm 2 vụ giết người.
Dù là một trong những quốc gia luôn đề cao tự do, bình đẳng, thời gian gần đây, Pháp đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng các ca bạo hành gia đình.
Ngày 3/9/2019, chính phủ Pháp lần đầu tiên đã tổ chức một buổi đối thoại cấp quốc gia với mục đích ngăn chặn bạo hành gia đình. Đây là điều mà một số luật sư và công tố viên nhìn nhận như một "dịch bệnh" có xu hướng lan rộng.
Chính quyền đã phát động một chiến dịch truyền thông rộng rãi đến công chúng, đặc biệt là lập đường dây nóng 3919 để hỗ trợ các nạn nhân. Chính phủ Pháp dự kiến sẽ chi 5 triệu Euro nhằm cung cấp thêm 1.000 nơi ở tạm từ tháng 1/2020 cho những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình.
Các nhà hoạt động vì bình đẳng giới đã tăng cường nỗ lực và kêu gọi chính phủ đầu tư nhiều hơn cho công tác khắc phục hậu quả của bạo lực gia đình. Cựu công tố viên Luc Frémiot, người tiên phong trong nỗ lực giúp đỡ những người sống sót sau bạo hành gia đình ở Pháp cho hay: "Phụ nữ cần được coi trọng và nhìn nhận nghiêm túc sau khi tới đồn cảnh sát để trình báo về vấn đề của mình. Ngoài ra, các sĩ quan không thực hiện báo cáo về hành vi bạo lực đều phải chịu các mức kỷ luật thích đáng".
20 ngàn đêm nghỉ cho nạn nhân bạo lực gia đình
Trước nạn bạo hành gia đình đang có chiều hướng ngày càng gia tăng về quy mô cũng như mức độ nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, chính quyền sẽ đưa ra biện pháp mới cho phép những người đối mặt với bạo hành có thể yêu cầu hỗ trợ trong quá trình phong tỏa. Bộ trưởng Nội Vụ Pháp nhấn mạnh cảnh sát, hiến binh sẽ "can thiệp khẩn cấp" và việc ngăn ngừa các vụ bạo hành trong gia đình là "một ưu tiên".
Còn Bộ trưởng Bình đẳng giới Marlene Schiappa cho biết khoảng 20 trung tâm tư vấn sẽ được mở tại cửa hàng, siêu thị tại nước này để phụ nữ có thể tới tìm sự giúp đỡ. Nạn nhân có thể yêu cầu giúp đỡ tại các hiệu thuốc. Một phụ nữ bước vào một hiệu thuốc nhưng không mua thuốc chữa bệnh, cô chỉ cần nói "khẩu trang 19" thì sẽ được hỗ trợ khẩn cấp. Chồng, người yêu vũ phu của họ sẽ bị bắt ngay lập tức.
Bên cạnh đó, nước này tiếp tục duy trì nền tảng số arrêtonslesviolences.gouv.fr suốt 24 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. Từ đây, cảnh sát và hiến binh có thể kích hoạt các can thiệp trong trường hợp bạo lực gia đình.
Chính phủ Pháp trong ngày 30/3 cũng tuyên bố dành 1 triệu euro ngân sách dành cho các tổ chức chống bạo lực gia đình trong thời điểm cần tăng cường hoạt động. Nước này sẽ chi trả cho 20.000 đêm nghỉ tại khách sạn đối với những nạn nhân bạo lực gia đình.
Đi đầu chiến dịch chống bạo lực giới, thành phố Seine-Saint-Denis hỗ trợ các nạn nhân lưu trú trong khách sạn nhằm tách họ ra khỏi những người bạn đời, bạn tình vũ phu. Ý tưởng này là cung cấp sự bảo mật tốt nhất có thể cho các nạn nhân trong thời gian cách ly.
"Với sáng kiến mới này, chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ được triển khai ở các thành phố khác để hỗ trợ chỗ ở tạm thời cho chị em. Từ đó, cảnh sát dễ dàng bắt giữ những người phối ngẫu bạo lực", cô Stéphane Troussel - Người đứng đầu bộ phận giải quyết các vấn đề bạo lực giới của thành phố Seine-Saint-Denis nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn