Chính quyền bác tin đồn 'Rắn chúa bà' xuất hiện ở Điện Biên

10:44 | 08/11/2018;
Nhiều người dân Điện Biên gọi tên con rắn là “rắn chúa bà”, “hoàng xà 7 màu”, “thanh xà 7 màu”..., chính quyền địa phương bác tin mê tín này.

Nhiều ngày qua, người dân trên địa bàn xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên xôn xao câu chuyện về “rắn chúa bà” xuất hiện tại một công trình miếu đang xây dựng tại bản Pa Lếch.

ran_1_zakj.jpg
Con rắn được người dân thổi phồng là "rắn chúa bà".

 

Ngay sau khi xuất hiện, nhiều người dân hiếu kỳ trên địa bàn đã tìm đến khu vực miếu trên để xem và có những hoạt động khấn vái, cầu may, quay video đăng tải lên mạng xã hội gắn với những chú thích mang màu sắc tâm linh, huyền bí gây hoang mang dư luận.

 

Từ các video đăng tải lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người dân đã bắt đầu gọi tên con rắn là “rắn chúa bà”, “hoàng xà 7 màu”, “thanh xà 7 màu” hay “chúa bà nam phương”… cần được thờ cúng, cầu may, do đó chính quyền địa phương xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên đã chính thức lên tiếng bác bỏ tin đồn này.

Trao đổi về vấn đề này, chiều 7/11, ông Lò Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết, khoảng 20h ngày 5/11, có một con rắn màu đen, chiều dài gần 1 mét, to bằng chuôi liềm chui lên từ hốc đất ở phía ngoài tường bao của ngôi miếu đang xây dựng dở tại bản Pa Lếch. Sau khoảng 30 phút, con rắn bò đi. Tuy nhiên do một số người dân mê tín, nâng quan điểm nên gọi là “rắn thần” hoặc “rắn chúa bà”, chứ thực tế đây chỉ là con rắn bình thường, không có yếu tố tâm linh, thần thánh.

 

Việc người dân gọi nó là “hoàng xà 7 màu”, “thanh xà 7 màu” là do màu sắc óng ánh trên thân khi có ánh đèn điện chiếu sáng vào ban đêm.

 

Còn việc rắn xuất hiện ở khu vực này là chuyện rất bình thường do gần ruộng, đồi núi.

Cũng theo ông Lò Đức Vượng, gần khu vực ngôi miếu đang xây dở trước đây có một cây to được người dân địa phương tâm linh gọi là cây “quéo”.

 

Nhưng do quá trình canh tác, mở rộng diện tích bờ thửa, người dân đã phát vào bộ rễ của cây, dẫn đến cây chết, bị đổ. Do đó một cá nhân (tên Điền) sinh sống trên địa bàn xã đã thống nhất với bà con nhân dân trong bản Pa Lếch tự bỏ kinh phí và thuê thợ xây dựng ngôi miếu này.

 

Khi nào xây dựng xong sẽ bàn giao miếu cho người dân bản Pa Lếch quản lý để thắp hương vào những ngày rằm, lễ hàng năm.

 

Qua sự việc này, chính quyền địa phương xã Thanh Chăn khuyến cáo người dân trên địa bàn không nên thổi phồng vấn đề làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, xã hội, gây hoang mang dư luận, cần nhanh chóng ổn định tâm lý để lao động, sản xuất.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn