Chính quyền Kenya mập mờ trong bê bối 'đường bẩn'

20:24 | 02/07/2018;
Chính quyền Kenya đang khiến dư luận bức xúc và hoang mang, đồng thời đẩy giá đường lên cao khi mập mờ trong việc công bố đường có nhiễm kim loại nặng như thủy ngân, chì, đồng hay không.

Vào giữa tháng 6/2018, các nhà chức trách Kenya cho biết họ đã thu giữ hơn 1.000 bao đường nhập khẩu trái phép từ các kho hàng ở thủ đô Nairobi và các khu vực khác của đất nước. Sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Fred Matiang'i chia sẻ với báo chí địa phương rằng, mức độ độc hại của thủy ngân và đồng đã được tìm thấy trong các mẫu đường bị tịch thu trong khu vực Eastleigh của Nairobi.

Tuy nhiên, tuyên bố trên của ông vấp phải sự phản đối của Bộ trưởng Thương mại Adan Mohamed.

Cục Tiêu chuẩn Kenya (Kebs) - cơ quan quản lý an toàn thực phẩm ở Kenya - cũng lên tiếng phủ nhận thông tin có thủy ngân xuất hiện trong các mẫu đường bị tịch thu.

chinh-quyen-kenya-be-boi-duong-sach-duong-ban-1.jpg
Các chính trị gia Kenya khiến dư luận hoang mang khi mâu thuẫn trong phát ngôn về bê bối 'đường bẩn'

Nhưng điều bất ngờ là, ông chủ của số đường trên, Charles Ongwae, ngày 21/6, lại khai báo rằng, các mẫu đường này chứa đồng và chì. Cụ thể, ông này cho biết, các mẫu chứa gần 21mg/kg đồng, gấp hơn 10 lần so với quy định.

Sau đó, ông Charles đã bị bắt cùng với một số quan chức Kebs khác liên quan đến vụ bê bối.

Trong khi đó, các nhà hóa học Chính phủ Kenya, vốn được giao nhiệm vụ thực hiện phân tích sinh hóa các sản phẩm bị nghi ngờ là độc hại, liên tục từ chối chia sẻ với BBC về việc liệu thử nghiệm có cho thấy đường ô nhiễm hay không. Sau đó, họ giới thiệu BBC sang Bộ Y tế thì bộ này cho biết đã chỉ thị cho các quan chức y tế ở tất cả 47 quận của Kenya kiểm tra mẫu của tất cả các loại đường được bán trên thị trường.

Một quan chức Bộ Y tế cũng nói rằng, họ vẫn đang xem xét liệu có nên đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ bê bối này hay không và gọi đây là “vấn đề an ninh nội bộ”.

chinh-quyen-kenya-be-boi-duong-sach-duong-ban.jpg
Số đường bị bắt giữ do nghi ngờ nhập lậu. Chính ông chủ của lô đường này thừa nhận đường nhiễm đồng, chì.

Tình hình thực tế cho thấy chưa thể kết luận liệu lô đường trên có nhiễm kim loại nặng hay không nhưng chính cách xử lý của chính phủ Kenya đang khiến người dân lo ngại.

Tiến sĩ Catherine Kunyanga, giảng viên cao cấp thuộc Khoa Khoa học thực phẩm, Dinh dưỡng và Công nghệ của Đại học Nairobi, cho biết: “Thông tin xung đột từ chính phủ là nguyên nhân gây lo lắng cho người Kenya. Bất kỳ loại kim loại nặng nào xuất hiện trong thực phẩm đều khiến người tiêu dùng phải lo lắng”.

Tiến sĩ Catherine thông tin thêm, chì độc hại hơn thủy ngân, đặc biệt với trẻ em, chì có thể tổn thương não và hệ thần kinh.

Còn đối với đồng, Tiến sĩ Catherine cho biết, nó có thể nhiễm vào đường từ đất hoặc nước mà cây mía hấp thụ.

Từ đó, nữ tiến sĩ này khuyên người Kenya ngừng mua đường giá rẻ vì có khả năng cao bị ô nhiễm.

Vụ bê bối trên đã đẩy giá đường ở quốc gia châu Phi này tăng cao và khiến đường trở nên vô cùng khan hiếm.

Dakane Ahmed, một nhân viên bán hàng trong khu vực Eastleigh của Nairobi kể, anh đã phải đi bộ một quãng đường dài chỉ để tìm đường về bán.

chinh-quyen-kenya-be-boi-duong-sach-duong-ban-2.jpg
Anh Dakane Ahmed cho biết, bế bối đường bẩn đẩy giá đường tăng gấp đôi gây khó khăn cho người dân.

“Chúng tôi đã từng mua một túi 50kg đường với giá 4.000 shilling Kenya (hơn 900.000 VNĐ), nhưng bây giờ giá đã tăng lên thành 6.300 shilling (khoảng 1,4 triệu VNĐ)”, anh Ahmed nói.

Anh Ahmed cũng tiết lộ, anh đã phải tăng giá gần gấp từ 0,8USD/kg lên 1,5USD/kg. Anh lo rằng, nếu cứ bán đường với giá này thì người nghèo sẽ không đủ tiền để mua.

Trên phương tiện truyền thông xã hội, người Kenya cũng bày tỏ lo lắng về việc tiêu thụ đường độc hại và nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời. Nhiều người đã sử dụng hashtag #sugarylies trên Twitter để chỉ trích những lời tuyên bố sai lệch về vụ bê bối của các chính trị gia.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn