Số người chết vì COVID-19 gấp 7 lần so với nước làng giềng
Mới đây, chính phủ Thụy Điển đã ra lệnh cấm tụ tập đông người, cấm bán rượu, đóng cửa trường học và coi những hành động này như một phần của chiến dịch trấn áp trong bối cảnh các trường hợp mắc và nhập viện gia tăng.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ của chính phủ Thụy Điển, Thủ tướng Stefan Lofven khẳng định: "Đây là tiêu chuẩn mới cho toàn xã hội và chưa từng có tiền lệ. Không tập thể dục, không đến thư viện, không tổ chức những bữa tiệc, tất cả buộc phải hủy bỏ!".
Các cuộc tụ tập công khai hiện đã bị giới hạn ở mức 8 người, giảm so với giới hạn trước đây là 300 người và sau đó là 50 người. Thụy Điển cũng đã cấm bán rượu trong các quán bar, nhà hàng và câu lạc bộ đêm sau 22 giờ và lệnh này sẽ được áp dụng cho đến cuối tháng 2/2021.
Các trường trung học cũng sẽ chuyển sang học trực tuyến vào thứ Hai trong thời gian còn lại của học kỳ. Chính Thủ tướng Lofven cũng đã phải thừa nhận việc đóng cửa trường học là biện pháp hữu hiệu nhất để có tác dụng làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.
Thụy Điển từng mong muốn quá trình chống bệnh dịch bằng các biện pháp tự nguyện sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan của virus. Các cơ quan y tế Thụy Điển kỳ vọng 40% dân số thủ đô Stockholm sẽ có kháng thể chống virus corona chủng mới vào cuối tháng 5/2020. Tuy nhiên, theo một số nhà nghiên cứu, hiện tại, con số này chỉ khoảng 15%, tức tương đương với các nước khác như Anh.
Trong khi các con số liên quan đến miễn dịch cộng đồng ở Thụy Điển không mấy khả quan thì quốc gia có hơn 10 triệu dân này đang phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn.
Tính đến hết ngày 7/12/2020, Thụy Điển đã có 278.912 ca nhiễm Covid-19 trong đó có 7.067 trường hợp tử vong (chiếm tỷ lệ 6,81% dân số). Trong khi đó, tại các nước láng giềng thuộc khu vực Bắc Âu là Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy là những quốc gia không áp dụng chính sách "thả cửa" giống như Thụy Điển thì tỷ lệ tử vong trung bình chỉ là 0,97% (Đan Mạch là 885 người chết, chiếm 1,51% tổng số người mắc, Phần Lan là 415/0,75%, Na Uy là 354/0,65%). Tính ra, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong của Thụy Điển gấp 7 lần so với các nước trong khu vực.
Nếu so với tỷ lệ trung bình của thế giới, con số ở Thụy Điển cũng rất cao. Theo thống kê của tổ chức Worldometers, hiện nay, trên thế giới, trung bình 1 triệu người thì có 199 trường hợp tử vong vì Covid-19 (chưa đến 0,02%). Trong khi đó, tỷ lệ ở Thụy Điển là 698 trường hợp tử vong/1 triệu người (gần 0,07%).
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn ra rất trầm trọng ở Thụy Điển thì cách tiếp cận thoải mái đối với đại dịch của nước này cũng không giúp được nền kinh tế khởi sắc, tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán sẽ đạt gần 10% vào đầu năm 2021 (theo thống kê của tờ Wall Street Journal).
Các chuyên gia y tế Thụy Điển đang đặc biệt lo ngại về khả năng các bệnh viện tại nước này có thể sớm bị "vỡ trận" bởi làn sóng Covid-19 thứ hai. Tiến sĩ Piotr Nowak, bác sĩ tại bệnh viện Đại học Karolinska ở Stockholm tuyên bố: "Các nhà chức trách đã chọn một chiến lược hoàn toàn khác với phần còn lại của châu Âu. Chính sự lựa chọn kỳ lạ này đã khiến Thụy Điển đã phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại trong làn sóng Covid-19 đầu tiên. Hiện tại, chúng tôi không biết phải làm thế nào thế nào để đối phó với tình hình".
Ngay cả tiến sĩ Anders Tegnell, nhà dịch tễ học hàng đầu của Thụy Điển, người luôn phản đối chuyện đóng cửa biên giới và áp dụng giãn cách xã hội, giờ đây cũng thay đổi thái độ. Ông Tegnell từng phát biểu rằng, khó có chuyện làn sóng Covid-19 thứ 2 xảy ra ở Thụy Điển, nhưng giờ đây lại đổi giọng khi thừa nhận, người Thụy Điển đang đối mặt với sự bùng phát trở lại của Covid-19.
Hiện tại, Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển đã khuyến cáo người dân duy trì giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên và không tụ tập ở những nơi công cộng. Trong thời gian tới, nếu tình hình bệnh dịch ở Thụy Điển không được cải thiện, các bệnh viện bị quá tải, chắc chắc chính phủ nước này sẽ tiếp tục "xiết" các biện pháp phòng ngừa Covid-19, thậm chí phải thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn