Chính sách tuyển dụng, bồi dưỡng, quy hoạch đang làm khó cán bộ nữ

17:53 | 11/12/2019;
Bên cạnh những yếu tố phi chính thức, những quy định trong việc tuyển dụng, bồi dưỡng, quy hoạch đang góp phần gây khó khăn cho phụ nữ tham chính.

Ngày 11/12/2019, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) và Đại học New South Wales cùng tổ chức Hội nghị chia sẻ kết quả nghiên cứu "Cách tiếp cận thể chế nữ quyền cho lãnh đạo nữ ở Việt Nam: Quy trình hỗ trợ phụ nữ Việt Nam trong chính trị".

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM Nguyễn Ngọc Hà phát biểu khai mạc Hội nghị

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia HCM Nguyễn Ngọc Hà phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hà cho biết, mặc dù Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy phụ nữ tham chính hướng tới bình đẳng giới thực chất. Tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều chỉ số bình đẳng giới vẫn chưa thể thực hiện. Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản. Việc nghiên cứu và tìm ra những nguyên nhân để khắc phục tình trạng này là rất cần thiết, cấp bách.

Hội nghị cũng đã nghe GS. TS Louise Annette Chappell (Đại học New South Wales) và TS Lương Thu Hiền Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới và lãnh đạo nữ trình bày kết quả nghiên cứu "Cách tiếp cận thể chế nữ quyền cho lãnh đạo nữ ở Việt Nam: Quy trình hỗ trợ phụ nữ Việt Nam trong chính trị".

Nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam tập trung vào những yếu tố chính thức và những yếu tố phi chính thức ảnh hưởng đến quá trình phụ nữ tham chính. Trong đó các yếu tố phi chính thức như định kiến giới trong văn hóa, phong tục, tập quán cũng như lối sống nói chung. Các yếu tố chính thức là những bất hợp lý trong chính các chính sách, pháp luật khiến phụ nữ bị thu hẹp đáng kể cơ hội để tham chính và thăng tiến.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia về giới

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia về giới

Nghiên cứu cũng dành trọng tâm cho những vấn đề: quy trình tuyển dụng gồm 9 bước, quy định về độ tuổi quy hoạch cấp ủy, quy định về luân chuyển cán bộ, tiêu chuẩn bổ nhiệm... đang gây bất lợi cho phụ nữ. 

Tại Hội nghị lần này Ban soạn thảo công bố những kết luật sơ bộ và mong nhận được đóng góp của các nhà chuyên môn. 

Sau khi hoàn thiện nghiên cứu được kỳ vọng sẽ cung cấp một báo cáo khuyến nghị chính sách hỗ trợ phụ nữ Việt Nam tham gia lãnh đạo, quản lý cho Đảng và Nhà nước Việt Nam, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp sắp diễn ra vào năm 2021.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn