Chính trường Anh rối loạn vì Quốc hội giành quyền kiểm soát Brexit khỏi tay Thủ tướng

15:48 | 26/03/2019;
Tiến trình Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu EU) đang rơi vào khủng hoảng khi Nghị viện Anh bỏ phiếu thông qua một sửa đổi cho phép các nghị sĩ nắm quyền kiểm soát tiến trình Brexit. Đây là một bước đi chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Anh và là một đòn mạnh nữa giáng vào những nỗ lực của Thủ tướng Theresa May nhằm đạt được một tiến trình Brexit có trật tự.
Bằng một cuộc bỏ phiếu ngày 25/3, Quốc hội Anh đã giành quyền kiểm soát tiến trình Brexit khỏi tay Thủ tướng Theresa May trong vòng 1 ngày. Động thái này nhằm để các nghị sĩ tìm ra một giải pháp Brexit mà đa số thành viên Quốc hội có thể ủng hộ, phá vỡ thế bế tắc hiện nay. Được thông qua với 329 phiếu thuận so với 302 phiếu chống, sửa đổi luật này cho phép các nghị sĩ tiến hành một loạt cuộc bỏ phiếu mang tính định hướng đối với tiến trình Brexit. Trong số các lựa chọn mà các nghị sĩ có thể dựa theo đó để đưa ra ý kiến là giữ lại nước Anh trong thị trường chung, một cuộc trưng cầu ý dân mới về Brexit và thậm chí là hủy bỏ việc Anh rời EU. Động thái của Quốc hội Anh cho thấy quyền lực Thủ tướng của bà May đã suy giảm nhiều cho dù bà tuyên bố Chính phủ không có nghĩa vụ phải tuân thủ kết quả cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra ngày 27/3 của Quốc hội.
 
Cuộc bỏ phiếu ngày 25/3 được khởi xướng bởi Oliver Letwin, một nghị sĩ trong Đảng Bảo thủ cầm quyền của bà May và diễn ra sau khi bà May thừa nhận rằng thỏa thuận mà bà mất 2 năm mới đàm phán xong với EU vẫn chưa tập hợp được đủ sự ủng hộ để có thể thông qua ở Quốc hội.
 
theresa-may-2.jpg
Thủ tướng Theresa May mệt mỏi trước sức ép của Quốc hội Anh

 

Trong một dấu hiệu cho thấy tính chất kịch tính của tiến trình Brexit, 3 quốc vụ khanh trong chính phủ Anh đã đệ đơn xin từ chức ngay trong tối 25/3: Quốc vụ khanh về công nghiệp Richard Harrington, Quốc vụng khanh về ngoại giao Alistair Burt và Quốc vụ khanh về y tế Steve Brine. Trong đơn từ chức, ông Richard Harrington đã chỉ trích chính phủ đang đặt cược với chính cuộc sống và kế sinh nhai của đại đa số người dân khi không thể thúc đẩy được một thỏa thuận chia tay “hợp lý”.
 
Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ trưởng Brexit Steve Barclay ngày 25/3 cảnh báo, sửa đổi luật này sẽ làm đảo lộn tính cân bằng giữa các thể chế dân chủ của nước Anh, cũng như tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và khó lường đối với tương lai: “Với việc Nghị viện bỏ phiếu thông qua sửa đổi này, nguy cơ một cuộc bầu cử sớm càng gia tăng. Bởi kết quả này cũng đi ngược lại với những cam kết cơ bản của chính phủ. Vì thế, một trong những vấn đề chính đặt ra là quốc hội có thể yêu cầu chính phủ làm những điều mà mình không mong muốn”.
 
Với kết quả bỏ phiếu trên, Hạ Viện Anh sẽ tiến tới bỏ phiếu các lựa chọn khác thay thế thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May vào tối 27/3.
 
Các nghị sỹ có thể đưa ra bỏ phiếu các lựa chọn như một Brexit "mềm hơn", hay trưng cầu ý dân lần hai.
 
Cuộc bỏ phiếu tối qua và những quyết định từ chức này đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh. Đây là một thất bại "bẽ bàng" của chính phủ. Thủ tướng Theresa May đã mất kiểm soát hoàn toàn trong đảng Bảo thủ của bà, trong nội các cũng như đối với tiến trình Brexit. Ngoài ra, bà May thậm chí còn đang trước nguy cơ bị phế truất. Trên thực tế, Thủ tướng Theresa May thời gian qua đã rất chật vật trong việc tìm kiếm sự ủng hộ để có thể thúc đẩy thông qua thỏa thuận chia tay đạt được với EU. Văn kiện đã 2 lần bị các nghị sĩ Anh bác bỏ, song lại được xem là điều kiện tiên quyết để có thể đạt được một sự chia tay có trật tự với EU vào ngày 22/5 tới.
 
Cho tới thời điểm này, gần 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit, chưa ai có thể khẳng định Brexit sẽ đi theo hướng nào bởi Quốc hội Anh và cả nước Anh vẫn đang có sự chia rẽ sâu sắc. Ủy ban châu Âu dự báo về một sự chia tay không có thỏa thuận vào ngày 12/4 tới và cũng theo đó sẽ không có bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp nào. Trong một thông cáo, Ủy ban châu Âu cảnh báo, điều này sẽ tạo ra một sự hỗn loạn đối với người dân và giới doanh nghiệp, đồng thời cho biết đã hoàn thành những bước chuẩn bị cuối cùng cho một kịch bản như thế
 
tuan-hanh-phan-doi-brexit.jpg
Tuần hành phản đối Brexit tại London

  

Cuối tuần vừa rồi, hàng triệu người Anh đã xuống đường ở London để kêu gọi trưng cầu dân ý lại về Brexit. Đây được cho là cuộc biểu tình lớn nhất thế kỷ ở Anh mà số người tham gia cuộc tuần hành phản đối được cho ngang với cuộc biểu tình hồi năm 2003 yêu cầu chấm dứt chiến tranh tại Iraq. Những người biểu tình đã mang theo cờ EU và biểu ngữ yêu cầu bất cứ thỏa thuận Brexit cần phải được đưa ra cho người dân bỏ phiếu.
 
Mạng website của Quốc hội Anh đã lập kỷ lục khi có tới hơn 4 triệu chữ ký của người dân Anh yêu cầu hủy bỏ Brexit. Theo quy định, khi Quốc hội nhận được thư kiến nghị từ trên 100 nghìn chữ ký thì sẽ phải đưa vấn đề này ra Quốc hội thảo luận.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn