Chịu chi cho cõi âm

16:12 | 16/09/2015;
Lòng biết ơn đâu chỉ thể hiện ở mâm cao cỗ đầy mà chủ yếu nằm trong tâm thức người đang sống.
Những ngày này, biết bao người đang tất bật chuẩn bị cho rằm tháng Bảy. Nhiều người quanh năm không có thói quen cúng bái rình rang, đốt vàng mã hoành tráng nhưng đến dịp này buộc phải nghĩ lại.

Thấy hàng xóm dâng cho cha mẹ đã khuất núi nào nhà cửa, xe cộ, thậm chí là cả… “ô sin” và máy bay, mà mình không có gì thì chẳng đành lòng. Thế là cũng đành tặc lưỡi, chạy ra hàng mã khuân về nào vàng bạc, tiền nong, quần áo…

Lòng biết ơn đâu chỉ thể hiện ở mâm cao cỗ đầy mà chủ yếu nằm trong tâm thức người đang sống. Ảnh: Theo Shutter Stock

Để sắm được những thứ đó, có người phải tính toán “cắt giảm” một số khoản chi tiêu (cho người sống). Bởi giá những đồ mã đâu có rẻ: Nếu sắm đủ “lệ bộ” ở mức tối thiểu cũng tốn vài trăm nghìn đồng. Cộng thêm mâm cỗ cúng nữa, không khéo "bay" mất bạc triệu. Bằng gần nửa tháng lương công nhân. Giữa thời “thóc cao gạo kém” như bây giờ, phải “cắt giảm” vào đâu, nếu không phải là cắt suất ăn sáng của con cái, hay giảm bớt chất lượng bữa ăn gia đình?

Khác với những năm trước, khi đời sống ổn định, việc cúng bái chủ yếu là để người sống cảm thấy bình an, giờ nhiều người coi việc cúng bái, nhất là vào rằm tháng Bảy, giống như một hình thức “đầu tư”: Đốt cho người “cõi âm” thứ gì thì mình cũng sẽ… được thứ ấy!? Có người so sánh, giá đồ mã với đồ thật cách nhau một trời một vực. Nếu đốt 10 mà được 1 cũng đã là… lãi to! Vì thế mà người ta thi nhau đốt tiền không thương tiếc.

Đời sống tâm linh là điều không thể thiếu, thế nhưng đừng “vung tay quá trán”. Bởi lòng biết ơn đâu chỉ thể hiện ở mâm cao cỗ đầy, ở những món hàng mã hoành tráng, mà chủ yếu nằm trong tâm thức người đang sống và trong những việc làm thiết thực để lo cho con cái, cháu chắt của những người đã khuất có được sự no đủ, ấm êm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn