Hàng "thương hiệu" tính bằng đô la nay xuống giá... vỉa hè
Túi xách tay nữ gắn thương hiệu Dior có giá 200.000 đ/chiếc. Túi gắn thương hiệu Chanel còn rẻ hơn, chỉ có 100.000 đ/chiếc. Người bán của cửa hàng số 70 cho biết, giá đã giảm một nửa. "Bán để em chuẩn bị lên đợt hàng mới. Thấy vậy chứ mẫu mã đẹp và còn thời trang lắm!", người bán khuyến dụ. Nói là giảm một nửa nhưng thực chất, những chiếc giỏ này khi chưa có dịch Covid-19, người bán hét từ 1.000.000 - 2.000.000đ/chiếc, thậm chí hơn.
Vì không có khách nên đành phải bán. Không bán thì những mặt hàng giả da cũng sẽ bị hỏng. Người bán hàng cho sạp Kim O. thừa nhận như vậy. Chị giới thiệu 1 chiếc thắt lưng gắn thương hiệu CK giá chỉ 250.000 đ (cũng đã giảm một nửa). Trong khi sạp gần đó, thắt lưng gắn thương hiệu Gucci giá chỉ từ 50.000 - 70.000 đ. Một người bán nài nỉ khách: "Mua giùm em đi! Không nơi nào rẻ hơn nơi này!". Bến Thành vốn khét tiếng là chợ đắt đỏ nhất Sài Gòn, "đắt xắt ra… đô la" mà nay hạ giá ngang bằng giá chợ … vỉa hè (!)
"Không có khách Tây, chúng tôi bán không được, đành vậy!", một chị bán hàng thở dài.
Đóng cửa cho thuê và rao bán sạp
Được mở cửa bán trở lại từ đầu tháng 5, sau khi tạm đóng cửa để chống dịch Covid- 19, nhưng chợ Bến Thành vắng khách thảm hại. Nhiều dãy sạp vẫn khóa chặt cửa, tối om. Nơi nào có bày hàng ra bán thì chỉ có… người bán. Cả ngày, họ chỉ biết cúi gằm mặt vào màn hình điện thoại hoặc nhìn ra các hướng cửa không một bóng khách bằng gương mặt ủ rũ, ngao ngán.
Hầu hết các gian mặt ngoài chợ, hướng đường Lê Thánh Tôn đều đóng cửa. Hơn một nửa khu ẩm thực không bày bán. Gian nào bán thì chỉ biết "ngáp ruồi". Mới 15g nhưng có gian đã xếp ghế, mang thức ăn, thức uống… về nhà. Chủ gian hàng Tuyết Nh. than: "Có người 2, 3 ngày liền không bán được một tô".
Khu bán hàng lưu niệm có trên 80% đóng cửa. Nhiều sạp treo biển "tạm nghỉ một thời gian", cho thuê, thậm chí rao bán.
Tây không có, còn ta thì "sợ" vào
"Chỉ bán được cho Tây hoặc dăm ba Việt Kiều có chút ai hoài xưa khi về thăm quê. Còn người trong nước, chẳng ai dám hoặc muốn tới đó. Hàng thì toàn hàng fake nhưng giá trên trời. Có khi còn "ăn" cả "chửi", anh Mai Kim Long (Q.Gò Vấp) bày tỏ nửa như bức xúc, nửa như mỉa mai. Đó là thực tế. Phổ biến nhất vẫn là các gian hàng thời trang. Khách Tây, có khi họ đến vì điểm đến được xem là biểu tượng của Sài Gòn. Còn khách trong nước, dạo chơi cho biết thì được, chứ trả giá để mua thì cỡ nào cũng dính (bán cao gấp 10 lần, trả sao không dính?). Thật ra, hiện giờ, ít du khách trong nước nào "ngờ nghệch" đến nỗi vào đây bỏ vài triệu đồng để mua một món đồ giả chất liệu, giả thương hiệu, giả xuất xứ mà trị giá chỉ đáng một hai trăm ngàn.
Ế ẩm. Đóng cửa. Nhiều tiểu thương rơi vào tình cảnh khó khăn. Người thuê sạp thì thương lượng với chủ giảm hoặc không tính tiền thuê cho đến khi bán được trở lại. Một mặt, họ làm đơn xin miễn, giảm thuế nhưng chưa có kết quả. Chi phí sinh hoạt trong gia đình do không buôn bán được, nhiều người phải chạy đôn, chạy đáo tìm việc làm bên ngoài mong kiếm thu nhập trang trải. Chị Nguyễn Thanh Ph. nuôi 2 con nhỏ, sau nhiều ngày vác đơn đi xin chân bán hàng ở siêu thị nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu, giờ chỉ biết nhận hàng về nhà gia công. "Mỗi ngày tôi kiếm chỉ được 100.000đ, không đủ để trang trải. Nhưng không còn cách nào khác. Chỉ mong sao, Chính phủ cân nhắc cho phép "mở cửa" cho du khách nước ngoài vào. Lúc đó chúng tôi mới sống được. Buôn bán lúc khó lúc dễ nhưng chưa lúc nào bi đát như lúc này!", chị Ph. chua chát.
"Khách Tây giờ có vào đây cũng chỉ cho có. Còn bán buôn kiểu như vậy, có ngày chợ trở thành… bảo tàng", một hướng dẫn viên du lịch cho biết.
Nghe như một cái tát nhưng không phải không có lý, khi xung quanh ngôi chợ vừa tròn 150 tuổi này, đã và đang mọc lên rất nhiều trung tâm mua sắm hiện đại. Nếu không thay đổi, giá trị chợ Bến Thành còn lại có khi chỉ là những mét vuông đất vàng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn