Cho con ăn trứng vịt lộn thường xuyên có hết suy dinh dưỡng?

15:00 | 17/05/2021;
Nhiều bố mẹ cho rằng, trứng vịt lộn là thực phẩm có thể "chữa" được suy dinh dưỡng ở trẻ nên đã lạm dụng món ăn này.

"Trứng vịt lộn là thực phẩm cung cấp chất đạm nguồn động vật. Ăn trứng vịt lộn thường xuyên không phải là giải pháp giúp phòng suy dinh dưỡng". Đó là khẳng định của GS.TS.TTND. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Ông cũng cho rằng, trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân, gầy yếu thường do chế độ ăn chưa đáp ứng nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng, cần tham khảo tháp dinh dưỡng cho trẻ 6-11 tuổi để tìm hiểu về đơn vị ăn của từng tầng tháp dinh dưỡng khuyến nghị cho trẻ. Không nên lạm dụng thực phẩm để "chữa bệnh" cho trẻ và coi đó như "thần dược", bởi bất cứ thực phẩm nào dùng không đúng cách cũng "lợi bất cập hại".

Chị Hà Thị Ý (Bắc Giang) chia sẻ: "Con tôi năm nay 7 tuổi, bị gầy yếu, suy dinh dưỡng. Nghe nói ăn trứng vịt lộn có thể khỏi suy dinh dưỡng nên mấy tháng liền tôi cho cháu ăn thường xuyên. Nhưng gần đây cháu không chịu ăn trứng vịt lộn và kêu đầy bụng, khó chịu". Vì vậy chị Ý đã ngừng cho con ăn trứng vịt lộn mỗi ngày.

Theo tháp dinh dưỡng cho trẻ 6-11 tuổi, với 6 tầng tháp, các nhóm thực phẩm được khuyến nghị cho trẻ ăn với số lượng khác nhau, từ ít đến nhiều. Nhu cầu ăn của trẻ em và người lớn rất khác nhau. Khi sử dụng tháp dinh dưỡng cho trẻ 6 - 11 tuổi cũng cần chú ý đến kích cỡ đơn vị ăn của các loại thực phẩm trên tháp để điều chỉnh sao cho phù hợp với trẻ. Tuy nhiên, cần phải đủ các nhóm thức ăn: Nhóm muối và đường; Nhóm dầu mỡ, chất béo; Nhóm thực phẩm cung cấp protein; Sữa và các sản phẩm từ sữa; Tinh bột; Rau củ, trái cây; Nước và các loại thức uống.

Ăn trứng vịt lộn có hết suy dinh dưỡng? - Ảnh 1.

"Trứng vịt lộn là thực phẩm cung cấp chất đạm nguồn động vật. Ăn trứng vịt lộn thường xuyên không phải là giải pháp giúp phòng suy dinh dưỡng"- Đó là khẳng định của GS.TS.TTND. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Trong đó, dầu, mỡ, chất béo không phải là một nhóm các loại thực phẩm như rau củ, lương thực nhưng nó lại chứa một lượng dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Đặc biệt là các loại chất béo thực vật được ép từ lạc, đậu nành hay hạt hướng dương...

Nhóm thực phẩm cung cấp protein, nguồn cung cấp protein chủ yếu là các loại thịt, cá, trứng, sữa, các loại hạt... Tuy nhiên, trong các loại thực phẩm như thịt đỏ, cá, trứng và sữa nguyên chất đều có chứa chất béo nên bạn cần chú ý lượng chất béo nạp vào cho trẻ.

Trẻ em trong độ tuổi này nên dùng các loại sữa không có chất béo hoặc ít béo và có hàm lượng calci cao vì trẻ đang trong thời kỳ phát triển hệ xương.

Ngũ cốc là nguồn cung cấp lượng tinh bột cao cho con người. Đây cũng là nhóm thực phẩm được khuyên dùng nhiều nhất và nằm ở tầng thấp nhất của tháp dinh dưỡng. Đối với trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, ngoài cơm, gạo, nên cho bé sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt để đảm bảo nguồn dưỡng chất là tốt nhất.

Rau củ và trái cây trong tháp dinh dưỡng trẻ em cũng là nhóm thực phẩm rất quan trọng, nó cung cấp lượng lớn vitamin, chất xơ và giúp thanh lọc cơ thể. Bạn nên sử dụng ít nhất hai hoặc ba loại rau cho bữa ăn của trẻ.

Cuối cùng trong tháp dinh dưỡng cho trẻ là nước, một thành phần ít được đề cập trong tháp dinh dưỡng nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Với trẻ 6 - 11 tuổi, mỗi ngày bạn cần cung cấp cho trẻ khoảng 1.300 - 1.500ml, bao gồm nước, sữa, nước trái cây...

"Trứng là một thực phẩm cung cấp chất đạm nguồn động vật. Không có bệnh nào bị hạn chế ăn trứng vịt lộn. Tuy nhiên, để đảm bảo bữa ăn khoa học, hợp lý, bữa ăn gia đình khuyến cáo có trên 10 loại thực phẩm, trong đó có 3-5 loại rau củ và 2-3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm. Thường xuyên thay đổi và đa dạng hóa các loại thực phẩm", GS. Lê Danh Tuyên khuyến cáo.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn