Cho con bú không khiến ngực phụ nữ chảy xệ

06:55 | 08/06/2020;
Cho con bú không khiến ngực chảy xệ, ruột thừa có giá trị với hệ miễn dịch, hắt hơi có thể khiến xương sườn bị gãy nhưng nhịn hắt hơi có nguy cơ đứt mạch máu não... là những điều đặc biệt về cơ thể con người mà lâu nay chúng ta ít biết.

1. Chỉ con người mới có cằm

Con người là động vật duy nhất có cằm. Mặc dù mọi người thường nghĩ một số loài động vật khác như gấu hoặc chó cũng có cằm, tuy nhiên thực tế đó chỉ được gọi là "phần dưới cùng của đầu". Cằm của con người là một phần xương rất đặc biệt, nó kéo dài và đưa ra phía trước từ hàm dưới. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ lý do tại sao trong quá trình tiến hóa, con người lại xuất hiện cằm. Tuy nhiên, lý do có thể liên quan đến quá trình ăn, nói chuyện hoặc cằm được hình thành từ quá trình tiến hóa các bộ phận khác.

2. Con người có một xương đặc biệt gọi là xương Hyoid

Xương Hyoid (xương móng) không tạo khớp với bất cứ một xương nào khác. Thay vào đó, nó được kết nối với cơ bắp và dây chằng. Xương Hyoid nằm giữa phần xương quai hàm và thanh quản. Chức năng của xương này giúp cố định các cơ miệng dưới ở đúng vị trí. Ngoài ra, xương Hybiod giúp chúng ta nuốt thức ăn và nói chuyện.

3. Móng tay phát triển nhanh hơn móng chân

Mặc dù có sự khác biệt về tốc độ phát triển móng ở mỗi người, tuy nhiên móng tay sẽ phát triển nhanh hơn móng chân. Thông thường, móng tay dài ra khoảng 1/10 milimet mỗi ngày trong khi tốc độ phát triển của móng chân chỉ bằng một nửa. Ngoài ra, có mối liên quan giữa tốc độ phát triển của móng và độ dài của đốt xương gần nhất. Điều này có nghĩa là móng của ngón tay dài nhất sẽ phát triển nhanh hơn móng của các ngón còn lại.

4. Móng tay trên bàn tay thuận phát triển nhanh hơn bàn tay còn lại

Tốc độ phát triển của móng tay trên bàn tay thuận của con người sẽ nhanh hơn trên bàn tay còn lại. Tuy nhiên, khoa học vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân vì sao lại có sự khác biệt này.

5. Khi con người già đi, móng của họ thay đổi

Khi con người già đi, móng của họ sẽ phát triển chậm hơn và tích lũy các tế bào móng (onychocytes) nhiều hơn. Điều này giải thích vì sao móng chân của người già thường dày hơn so với những người trẻ. Ngoài ra, móng chân và ngón chân của con người chịu nhiều tác động hơn so với móng tay và ngón tay. Móng tay ít có sự thay đổi rõ rệt vì chúng được chăm sóc thường xuyên và kỹ hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

6. Cho con bú không khiến ngực phụ nữ chảy xệ

Nhiều người quan niệm rằng, phụ nữ khi mang thai và cho con bú sẽ ảnh hưởng đến ngực, khiến bộ phận này bị chảy xệ. Tuy nhiên, nghiên cứu về quá trình nuôi con bằng sữa mẹ cho thấy, những ảnh hưởng của quá trình mang thai và cho con bú lên vùng ngực sẽ phục hồi sau một thời gian.

Tuy nhiên, hút thuốc lại là nguyên nhân khiến ngực phụ nữ chảy xệ (theo Boildsky). Khi hút thuốc, các tế bào da giảm sự đàn hồi và quá trình tái sản xuất collagen giảm hiệu quả. Ngoài ra, hút thuốc còn cản trở lưu thông các mạch máu dưới da, khiến quá trình lão hóa diễn ra nhanh chóng

7. Tay và chân con người chứa hơn một nửa xương của cơ thể

Mỗi tay của con người chứa khoảng 27 xương và mỗi chân chứa khoảng 26 xương. Trong tổng số khoảng 206 xương ở người trưởng thành, hơn một nửa xương của chúng ta nằm ở chân và tay. Tuy nhiên điều này có thể không đúng trong một vài trường hợp. Khi vừa chào đời, chân của chúng ta gồm đa số sụn. Theo thời gian mới hình thành xương. Nhưng một số người ở độ tuổi trưởng thành vẫn chưa hòa toàn chuyển hóa sụn ở chân thành xương.

8. Hắt hơi có thể khiến bạn gãy xương sườn

Theo một bài báo được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ vào năm 1885, một người đàn ông 72 tuổi đã bị gãy xương sườn thứ 8 vì hắt hơi. Những lần hắt hơi mạnh có thể ảnh hưởng đến xương sườn. Tuy nhiên chúng ta không nên nhịn hắt hơi vì có thể khiến đứt mạch máu.

9. "Nổi da gà" không hề có tác dụng

Hiện tượng "nổi da gà" liên quan đến hormone adrenaline của cơ thể. Adrenalin là một hormone có tác dụng trên thần kinh giao cảm, được sản xuất bởi cơ thể khi bạn sợ hãi, tức giận hay thích thú, cái làm cho nhịp tim của bạn đập nhanh hơn và cơ thể chuẩn bị cho những phản ứng chống lại nguy hiểm. Tuy nhiên, "nổi da gà" không có tác dụng và chức năng gì đối với cơ thể con người.

10. Lá lách đóng vai trò trong hệ thống miễn dịch

Lá lách không hoàn toàn vô dụng dù chúng ta vẫn khỏe mạnh khi nó bị loại bỏ khỏi cơ thể. Tuy nhiên, lá lách cũng góp một phần vào hệ thống miễn dịch bằng cách tạo ra kháng thể cho lượng máu trong lá lách để chống lại vi khuẩn. Lá lách của thai nhi cũng tạo ra tế bào hồng cầu.

11. Ruột thừa cũng tham gia vào hệ thống miễn dịch

Chúng ta có thể cắt bỏ ruột thừa, nhưng cơ quan này có tham gia vào hệ thống miễn dịch của cơ thể. Năm 2018, bác sĩ Mohamad Abouzeid (bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện NYU Langone Health, New York, Mỹ) cho biết, ruột thừa chứa hàm lượng cao các tế bào miễn dịch. Dù các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác cơ chế tham gia vào hệ thống miễn dịch của con người, tuy nhiên họ tin rằng, ruột thừa cũng góp phần giữ cơ thể khỏe mạnh.

12. Gan có thể tự tái tạo

Trên thực tế, chỉ với 25% lượng mô gan ban đầu, gan của chúng ta có thể tự tái tạo. Đối với một số người bị tổn thương gan nghiêm trọng hoặc chấn thương, bác sĩ cần tiến hành phẫu thuật để ghép gan. Tuy nhiên đối với cơ thể bình thường, gan của chúng ta có thể tự tái tạo tốt.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn