Cho con học nghề sau THCS: Chưa nhiều phụ huynh sẵn sàng

14:53 | 10/07/2018;
Đây là thực tế ghi nhận sau mùa tuyển sinh vào lớp 10 khá đặc biệt của năm nay khi lượng thí sinh “dê vàng” tăng đột biến, đồng nghĩa với hơn 20.000 học sinh không có cơ hội vào THPT công lập. Không phải ai cũng có điều kiện cho con vào dân lập, nhưng học nghề chưa nằm nhiều trong sự lựa chọn của phụ huynh khi chính họ chưa sẵn sàng.

Hiu hắt lớp dạy nghề

Hơn 20.000 học sinh lớp 9 không có cơ hội vào trường THPT công lập ở Hà Nội – đó là thực tế mùa tuyển sinh năm nay, một năm được cho là quá nhiều “khốc liệt” do lượng học sinh tăng đột biến.

Thời điểm này, phụ huynh và học sinh đang chờ để tìm cơ hội “vét” các nguyện vọng sau để vào nốt các trường công lập đang dần kín chỗ. Lo lắng, chờ đợi, là tâm trạng chung của nhiều gia đình có con sinh năm “dê vàng” 2003.

Bên cạnh việc một bộ phận phụ huynh chấp nhận hoặc phải cố một tí để cho con học trường dân lập, thì không phải ai cũng có điều kiện để làm được điều này, đặc biệt ở các khu vực ngoại thành. Vậy các em sẽ đi đâu? Học nghề có phải là một trong những lựa chọn hàng đầu của những gia đình này?

20150822083144_19165.jpg
Chưa nhiều phụ huynh sẵn sàng cho con học nghề khi mới 14 tuổi. Ảnh minh họa

Trong vai phụ huynh đang tìm chỗ học nghề cho con tại một trung tâm dạy nghề khá tiếng tăm ở Thủ đô, ngay lập tức đội ngũ tư vấn viên tại đây rất nhiệt tình mời chào tham gia vào các khóa học, đặc biệt phù hợp cho học sinh 14 – 15 tuổi.

Một nhân viên tại đây cho biết, đến thời điểm này trung tâm chưa nhận được nhiều đăng ký học nghề của phụ huynh và học sinh, cũng có thể là phải sang tháng 8 mới nhộn nhịp hơn. So với năm ngoái, việc đăng ký học chưa có gì đột biến.

“Trường em có hơn 20 ngành nghề cho các cháu lựa chọn, với các bạn nữ thì “hot” nhất vẫn là nghề nấu ăn và cắt may thời trang, mỗi khóa học chỉ trong vòng 12 tháng là đảm bảo các cháu thạo nghề, tự tin vào làm ở nhà hàng, cắt may gia công cho công ty, nhà máy. Ngay bây giờ chị có thể đăng ký và cho cháu vào học luôn” – nữ nhân viên này cho biết.

Một trung tâm dạy nghề khác cũng có tiếng trong lĩnh vực điện tử trong khu vực Bách Khoa, khi được biết có nhu cầu học nghề, lập tức đưa ra các chương trình khuyến mãi giảm giá 20% học phí, miễn phí đĩa ghi hình… cho học viên mới.

“Mỗi khóa học về điện thoại chỉ mất 4,5 tháng, học viên hoàn thành khóa học thì yên tâm chắc chắn thành nghề, nếu cần trung tâm có thể giới thiệu việc làm và tổ chức thi cấp chứng chỉ cho các em” – nhân viên trung tâm tư vấn.

Cùng đường thì cho học… giáo dục thường xuyên

Rõ ràng, việc học nghề cho lứa học sinh 14 tuổi, có vẻ chưa khiến phụ huynh mặn mà lắm. Thực tế là các trung tâm dạy nghề chưa có biến động nhiều về số lượng học viên đăng ký ở lứa tuổi này, cho đến thời điểm này. Có thể sang tháng 8, khi việc tuyển sinh đã hoàn thành, sẽ có nhiều suất đăng ký hơn song theo nhiều phụ huynh và giáo viên, đây chưa phải là lựa chọn của các gia đình.

Cô giáo Phùng Thị Hà – giáo viên THPT ở Yên Lãng, huyện Mê Linh (Hà Nội), chia sẻ, bản thân cô biết nhiều phụ huynh có con học xong THCS nhưng vẫn không chọn con đường học nghề dù con không đủ khả năng đỗ vào các THPT công lập.

“Như ở đây, nếu học sinh không đỗ vào THPT Yên Lãng thì các nguyện vọng 2,3 sẽ là THPT Tiến Thịnh hoặc THPT Tự Lập. Và kém nhất thì các mẹ mới cho con vào học ở TT GDTX để lấy bằng tốt nghiệp THPT, chứ không mấy ai cho con đi học nghề ngay!” – cô Hà chia sẻ.

dsc_6465.jpg
Phụ huynh trìu mến đón con sau buổi thi vào lớp 10 năm nay tại một điểm thi ở Hà Nội. Ảnh minh họa: D.H
 

Theo nữ giáo viên, phụ huynh chia sẻ rằng họ vẫn “xót” con khi việc đi học nghề vào tầm tuổi này là vẫn còn quá non, họ chưa yên tâm cho con học nghề. Việc học văn hóa ở TT GDTX vẫn là lựa chọn của phần lớn phụ huynh, bởi con họ vẫn có thể hoàn thành chương trình THPT, được cấp bằng tốt nghiệp chính quy. Biết được nhu cầu này nên nhiều năm qua, trung tâm GDTX huyện Mê Linh vì địa bàn ở xa nên thuê hẳn 2 - 3 lớp hệ GDTX ở THPT Tiến Thịnh cho học sinh trực tiếp theo học, đáp ứng nhu cầu đông đảo gia đình tại đây

“Thường thì để các con tốt nghiệp THPT đã rồi các phụ huynh mới cho con đi học nghề hoặc trước mắt làm công nhân ở các khu công nghiệp, chứ bây giờ ai cũng chỉ có 1 – 2 con, ai cũng sợ con vất vả khi mới chỉ 14, 15 tuổi nên vẫn cố để lo cho con đến 18 tuổi cho cứng hẳn!” – cô Hà nói.

Chị Bùi Thị Thu, phụ huynh ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội, có con trai năm nay học THPT Dân lập, khi chia sẻ về điều này cũng thừa nhận, bản thân chị chưa đủ dũng cảm khi nghĩ đến việc cho con trai đi học nghề, dù gia đình chẳng phải là khá giả gì.

“Con còn rất "non", các kỹ năng va chạm với cuộc sống bên ngoài hầu như vẫn hạn chế, khiến bố mẹ lo lắng nhiều nên tôi chưa sẵn sàng để cho con đi học nghề. Chắc phải chờ cháu cứng cáp thêm một tí, ít nhất là học xong THPT thì mới tính tiếp. Còn giờ thì phải cố thêm một chút để con đi học dân lập” – nữ phụ huynh thở dài.

Rõ ràng, câu chuyện học nghề cho học sinh sau THCS, vẫn còn nhiều rào cản cho ít nhiều phụ huynh. Họ chưa sẵn sàng, hay họ cho rằng con cái của họ vẫn chưa sẵn sàng. Cũng có thể họ vẫn muốn con mình có thêm cơ hội để được làm “thầy” hơn làm “thợ” khi tâm lý học nghề lứa tuổi THCS vẫn khiến các bậc làm cha làm mẹ e ngại.

Đây là bài toán khó với ngành giáo dục Hà Nội, khi chắc chắn lượng học sinh vào THPT sẽ còn tiếp tục tăng, không chỉ bởi yếu tố năm sinh đẹp mà còn rất nhiều vấn đề khác về tăng dân số, về di dân cơ học…

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn