Tiền tiểu học là giai đoạn trước khi trẻ bước vào lớp 1, thường là các bé 5 tuổi. Đây là một cột mốc vô cùng quan trọng. Đang quen được chăm sóc, tự do vui chơi, phải chuyển sang môi trường học tập có kỷ luật hay việc tiếp nhận thêm một lượng kiến thức mới rất khác so với giai đoạn mầm non cũng khiến không ít trẻ rơi vào trạng thái lo âu. Việc trang bị cho bé một tinh thần tốt, kiến thức vững chắc trong giai đoạn này rất cần thiết.
Tuy nhiên khi nhắc đến tiền tiểu học, rất nhiều phụ huynh nghĩ rằng, đây là lớp học dạy chữ trước cho con. Họ lo sợ điều này khiến con chủ quan, chán học khi vào lớp 1. Trên thực tế, theo chị Hoàng Ngọc Diệp, một beauty & lifestyle blogger, đồng thời là mẹ của em bé Mí 5 tuổi, chương trình học tiền tiểu học mà con chị theo học không theo SGK lớp 1, chủ yếu để con làm quen với việc học và các kỹ năng cần có.
Theo chị Diệp, không giống như ở nước ngoài, khái niệm "tiền tiểu học" được hiểu rộng rãi hơn là hành trang con được chuẩn bị tới khi vào tiểu học khá toàn diện, thì ở Việt Nam cụm từ này cứ nói là các bố mẹ tự động hiểu chính là 1 năm học tập của con trước lớp 1. Và với số đông, sự "học tập" này bao hàm thiên về mặt kiến thức học thuật (hiểu một số khái niệm trừu tượng, xử lý & ghi nhớ một số loại thông tin nhất định ví dụ như học về Toán, Tiếng Việt, Khoa học,…).
Các ông bà thường nghe đến cụm này là sẽ lo lắng "nó còn bé, sao bắt học sớm thế?", các bố mẹ nghe đến sẽ thường chia ra hai lựa chọn "học cho đỡ thua kém bạn bè" hoặc "thôi tuổi thơ có mấy đâu, con thích tới đâu cho học tới đó". Chính chị Diệp cũng đã trải qua từng đó cung bậc.
"Tiền tiểu học là chương trình không theo Bộ giáo dục, các trường tư hay mầm non đưa vào để chuẩn bị chuyển tiếp cho các con vào tiểu học đỡ vất vả, đỡ "ngộp" về kiến thức và sinh hoạt nên cũng thay đổi tuỳ nơi, tuỳ trường, tuỳ nhu cầu từ phụ huynh. Ví dụ như bé nhà mình khi học tiền tiểu học sẽ được học chữ, học Toán, nếp sinh hoạt dần chuyển tiếp giống với các anh chị tiểu học, làm quen với trường lớp, cách phối hợp hợp tác với các thầy cô chủ động dần", chị Diệp chia sẻ.
Chương trình của Mí được kết hợp với các môn nghệ thuật, thể dục đan xen kiến thức. Các kiến thức con cũng hấp thụ rất tự nhiên và vui vẻ, không hề bị nhồi nhét. "Học tập trong vui vẻ, hào hứng thì mới duy trì được lâu dài. Và việc đó phụ thuộc nhiều vào chương trình và các thầy cô, nên chính mình cũng bất ngờ khi con tiếp thu tốt".
Thường các trường mẫu giáo cũng dần đưa chương trình "tiền tiểu học" học chữ học Toán dần vào chương trình các năm cuối mẫu giáo. Nếu không theo hướng đó, các bố mẹ thường sẽ home-school con. Cả hai phương án trên đều chỉ phục vụ được mục tiêu về mặt "học thuật", giúp con trang bị kiến thức trước.
Phương án thứ ba là cho con theo học 1 chương trình "tiền tiểu học" của 1 trường tiểu học khác như bước đệm để con làm quen thêm với ngôi trường đó. Cá nhân chị Diệp nhận thấy đây là phương án toàn diện nhất.
Theo chị Diệp, việc chọn trường lớp, chương trình học, môi trường con sẽ theo học dài lâu, dù bố mẹ có muốn hay không cũng sẽ là những viên gạch quan trọng xây nên tương lai con, hình thành con người của con, có khi còn nhiều hơn phần bố mẹ.
Từ trải nghiệm bản thân, cũng như tham khảo từ sách báo (chẳng hạn cuốn Bố Mẹ, Con và Trường học của Tiến Sĩ Sir Ken Robinson), bà mẹ này đã liệt kê những tiêu chí cần suy nghĩ và đánh giá kỹ khi lựa chọn 1 chương trình tiền tiểu học cho con, gồm 6 điểm:
1. CHƯƠNG TRÌNH
Nội dung những kiến thức con phải học. Chương trình có rộng mở, cân bằng và đổi mới không? Nếu con đã bộc lộ thế mạnh nhất định rồi thì chương trình đó có phù hợp và giúp con phát triển không? Nếu là bậc tiểu học, chương trình phát triển thể chất thu hút và đầy đủ cũng cần có. Tuổi này con rất cần hoạt động thể chất để có sức bền theo đuổi nghiệp "học" và làm người lâu dài. Các chương trình được kết hợp với các bài tập kỹ năng sống cũng cần thiết.
2. PHƯƠNG PHÁP DẠY
Chương trình có thể hay, các mảng có thể đa dạng, nhưng điều quan trọng nhất lại nằm ở cách các mảng này được phối hợp và truyền tải tới con trẻ như thế nào. Nó phụ thuộc cực kỳ nhiều vào cách dạy học. Nên với chuyện học của con, không có gì quan trọng hơn là thầy cô. Người truyền động lực, người hành xử cân bằng, người bạn, người thầy,… tất tần tật để truyền cảm xúc cho con mỗi ngày đi học đều là ở tiêu chí này.
3. CÁCH ĐÁNH GIÁ
Cách nhà trường hiểu được con đang học như thế nào. Một số trường (như trường con gái chị Diệp đang theo học) sẽ dùng điểm số, sao. Ngoài giờ các cô có thời gian sẽ hỏi han và đánh giá thêm con, review kỹ lưỡng từng giai đoạn (theo tháng) hoặc khi bố mẹ yêu cầu. Với hệ thống giáo dục chung của Việt Nam, thường sẽ là điểm số (thi cuối kỳ, cuối năm, thi tốt nghiệp…). Một số hệ bằng quốc tế cũng lại có những cách đánh giá khác. Bố mẹ cần hiểu cái này của từng trường để tránh cảm thấy bức xúc hay áp lực khi có sự chênh lệch về kỳ vọng.
4. LỊCH TRÌNH
Là cách nhà trường tổ chức thời gian và nguồn lực học tập. Nó có phù hợp với lối sống của gia đình bạn và con không? Bài tập về nhà bao lâu là vừa theo ý bố mẹ? Các tiết học sắp xếp như thế nào? Có ý đồ gì không? Giờ học như vậy có dài hay ngắn quá không?
"Ví dụ như nhà mình, bố mẹ làm từ 9-4pm, đón con, về hôm nào có bài tập thì cùng làm 30 phút, lặp đi lặp lại đều đặn thấy rất thoải mái không có vấn đề gì cả. Nhưng có những gia đình lại thích dịch chuyển, trải nghiệm nhiều, bố làm việc ở nước ngoài hay bay đi bay về, lại không muốn con phải làm bài tập sau giờ, nên cảm thấy lịch đó hơi gò bó, cứng nhắc. Đó cũng lại trở thành 1 vấn đề khác", chị Diệp chia sẻ.
5. MÔI TRƯỜNG
Chính là bối cảnh vật chất nơi việc học được diễn ra. Cơ sở vật chất có cần to đẹp không? Phòng học có thoáng mát sạch sẽ không? Có trang trí vui nhộn thu hút hay xám xịt cũ kỹ ẩm mốc? Nhà vệ sinh thì sao? Một số người không quá quan trọng nhưng có những mẹ lại rất chú ý.
6. VĂN HÓA
Là các giá trị và hành vi nhà trường thúc đẩy. Khi con "ăn gian" lúc học tập, chuyện gì sẽ xảy ra? Cô sẽ phạt hay giải thích, hay bêu tên con trước lớp để các bạn chê cười, hay nhắn nhủ cùng bố mẹ để hỗ trợ con? Khi có xung đột, đánh nhau? Khi con bị bắt nạt do khác biệt? Cách nhà trường giải quyết, xử lý cũng sẽ là cách con bạn hiểu về thế giới này, và hướng tới trở thành. Nên một môi trường tử tế, hướng tới các giá trị chân – thiện – mĩ cũng là một điểm quan trọng cần cân nhắc.
Suy nghĩ xong về các tiêu chí, sẽ đến chương trình tiền tiểu học cho con cho bố mẹ cân nhắc thêm đó là tài chính. Cân nhắc xong là tới đoạn cho con đi học thử, hoặc đi thi (nếu trường đó có nhiều người muốn vào mà số lượng chỗ lại có hạn).
"Hai vợ chồng mình luôn thống nhất, làm bố mẹ cần nhất là thời gian và tâm trí để quan sát và đồng hành được với con thực sự. Giai đoạn "tiền tiểu học" đối với gia đình như là một năm con được "sống thử" trong 1 môi trường mới, giảm shock cho bố mẹ đỡ phải chạy đua nào viết nào đọc nào Toán khi con vào lớp 1.
Tuy vẫn sát sao, quan sát, trò chuyện với con, nhưng chắc chắn ít nhiều bố mẹ cũng sẽ cảm nhận được rằng con đang dần hình thành được những ý niệm rất riêng về thế giới quanh con đang được bè bạn và thầy cô truyền dạy mỗi ngày. Mình dần hiểu ra được vị trí quan trọng của trường lớp trong giai đoạn này ảnh hưởng lên con nhanh chóng và rõ ràng như thế nào, bố mẹ không còn là sự ảnh hưởng lớn nhất tuyệt đối nữa. Nên nếu được suy nghĩ và lựa chọn kỹ lưỡng, mình nghĩ vẫn nên làm hết sức có thể, đây cũng là một giai đoạn quan trọng không kém tuổi thơ con", bà mẹ chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn