Cho con về quê, tuyệt đối không quên dạy trẻ kỹ năng 'giao thông đường làng'

09:27 | 12/05/2018;
Nghỉ hè, nếu quyết định cho con về quê để trải nghiệm cuộc sống thanh bình, giản dị, gần gũi thiên nhiên, trong danh sách gạch đầu dòng dạy con xử trí những tình huống gặp phải, cha mẹ tuyệt đối không lơ là việc dạy con cách an toàn khi đi lại trên đường làng.
8998.jpg
Cuộc sống thanh bình sẽ giúp trẻ cảm nhận được nắng gió, yên bình thôn quê. Ảnh minh họa 

Hè năm ngoái, muốn để con có thêm nhiều trải nghiệm sống nên thay vì cho con đi trại hè như các năm trước đó, vợ chồng chị Nguyễn Mỹ Huyền (ở The Manor, khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội) đã lên kế hoạch cho con về quê ở Hải Dương sống với gia đình bác 3 tuần.

Chị Huyền kể, vợ chồng chị rất quan tâm trang bị kỹ năng sống cho con nên trước khi các con về quê, anh chị đã lên kế hoạch chi tiết cho từng ngày, từng tuần của các con. Anh chị dặn dò các con phải luôn chú ý với các tình huống như: Đuối nước, hỏa hoạn, gặp người lạ, chào hỏi người trong làng, ra đồng, đi chợ quê, dùng các vật dụng nhà nông như cuốc, liềm…

Trong thời gian các con ở quê, anh chị cùng giao hẹn: Hàng ngày, vào 8 giờ tối, cả nhà sẽ chat với nhau; ngày cuối tuần, nếu bố mẹ không phải đi công tác xa thì sẽ về quê với các con.

5665.jpg
Ký ức tuổi thơ trong ngần với cánh diều no gió. Ảnh minh họa
 

2 tuần đầu, mọi sự diễn ra đúng kế hoạch. Những ngày ở quê thực sự là những ngày hè bổ ích của các con. Chúng được trải nghiệm đi thả diều, đạp xe quanh triền đê, chiều lùa vịt vào chuồng, tối cầm đèn pin đi soi ve về xem ve lột xác, sáng ra đi nhặt trứng vịt cùng các anh chị… Bọn trẻ còn được bác gái cho tập gói bánh tẻ, nặn bánh trôi, làm bánh chay, quét sân, trồng cây trong vườn, ra đồng gặt lúa, câu cá. Bác còn chỉ cho chúng cách nhận biết thóc tẻ, thóc nếp, các loại rau xanh và các loại cây nông nghiệp…

Cậu con trai 12 tuổi và cô con gái 9 tuổi tỏ ra rất hào hứng, vô cùng thích thú. Mỗi ngày, chúng kể cho bố mẹ nghe đủ thứ chuyện, còn giao kèo, năm nào bố mẹ cũng phải cho con về quê ở 1 tháng.

Thế rồi đùng một cái, hôm đó đúng ngày anh đi công tác nước ngoài, chị Huyền đang chủ trì một hội thảo thì có điện ở quê báo cô con gái bị tai nạn, đang được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện huyện. Nghe tin dữ, chị Huyền suýt xỉu, bủn rủn hết chân tay, tâm trí bấn loạn. Mấy người bạn đồng nghiệp phải cùng lái xe đưa chị về quê. Trên đường đi, chị Huyền cứ dằn vặt, trách mình nếu không cho con về quê thì đã không xảy ra cơ sự này.

httngt.jpg
Đường làng thường không rộng, lại hay bị che khuất tầm nhìn bởi nhiều vật cản nên cần dạy trẻ kỹ năng quan sát khi đi trên đường làng, tránh và chạm xe cộ. Ảnh minh họa

 

Cũng may, lần đó con chị chỉ bị thương phần mềm, rạn xương cánh tay. Con chị bị tai nạn là do khi cháu đang đi ngoài đường làng, một thanh niên phóng xe máy từ trong ngõ ra, không bấm còi cũng không quan sát đường, bị hàng rào nhà dân che khuất, dẫn đến việc tông vào cô bé.

“Thực sự, tình huống này ngoài sự phòng xa của vợ chồng mình. Bọn mình sơ ý quá, cứ nghĩ về quê, làng mình thuần nông, xa thị trấn, xa đường quốc lộ, đường liên huyện nên việc tham gia giao thông trong làng sẽ khá an toàn. Nào ngờ...”, chị Huyền chia sẻ.

Tâm sự của chị Huyền khiến nhiều bậc phụ huynh khác cũng thấy giật mình. Quả thực, khi nói đến chuyện mùa hè cho con về quê, mọi người thường nhắc nhiều đến các kỹ năng sống như chống đuối nước, phòng bắt cóc trẻ em, điện giật, bỏng lửa…, chứ ít bậc cha mẹ nào đề cập đến việc dạy con an toàn khi tham gia giao thông đường làng.

8888.jpg
Trẻ rất cần học kỹ năng tham gia giao thông ở làng quê. Ảnh minh họa
 

Trên thực tế, đường trong làng và đường liên xóm/liên thôn thường không rộng, trong khi lại rất nhiều ngõ nhỏ bị che khuất tầm nhìn bởi các tường rào, cây cối…

Ngày trước, không nhiều xe máy, ô tô thì giao thông trong làng khá an toàn. Giờ đây, cuộc sống khá giả nên hầu như nhà nào cũng có một, vài chiếc xe máy. Trong khi đó, việc tham gia giao thông trong làng không có một quy định hay nguyên tắc nào. Khi tham gia giao thông, họ cũng ít đội mũ bảo hiểm (trừ khi họ phải sang làng bên cạnh hoặc ra đường lớn). Chính vì thế, khi đi lại trên đường làng, chúng ta tưởng an toàn nhưng lại khá nguy hiểm. Từng có không ít các vụ tai nạn nghiêm trọng dẫn đến chết người xảy ra ngay chính tại các con ngõ/đường làng.

98878.jpg
Khi đi lại trên đường làng, chúng ta tưởng an toàn nhưng lại khá nguy hiểm. Ảnh minh họa
 

Thế nên, khi cho con về quê sống cùng ông bà, cô di chú bác, người thân, cha mẹ đặc biệt phải trang bị cho các con kỹ năng cần thiết gắn với đời sống thôn quê để các con có thể chủ động ứng phó trước những tình huống bất ngờ.

Trong những gạch đầu dòng hướng dẫn con xử trí với các tình huống dễ gặp phải, cha mẹ không quên nhắc con cách đi lại trên đường làng, chú ý quan sát các điểm giao nhau giữa các ngõ, ngách khi có ô tô, xe đạp, xe máy, xe thồ, xe bò... để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. 

Trước khi cho con về quê một thời gian, cha mẹ hãy dạy trẻ cách xử trí một số chuyện hay gặp như: Ngã xuống nước tránh xe máy/ô tô trên đường làng, đau bụng, bị lạc, bỏng lửa, dẫm vào mảnh thủy tinh, có người lạ rủ đi chơi, đứt tay, cách đi/đứng khi ở gần đàn trâu, đàn bò, khi bị côn trùng đốt, gặp rắn…

Theo Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Lệ Hằng (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), trẻ về quê nghỉ hè được vui chơi và học cách yêu con người và môi trường, giúp trẻ rèn luyện sức khỏe, khám phá cuộc sống, gần gũi và hiểu biết về giá trị thiên nhiên, đặc biệt là cội nguồn của gia đình.

Tác dụng hữu hiệu của về quê có thể cha mẹ chưa thấy ngay nhưng lâu dài những bài học làm người sẽ hình thành trong trẻ bởi trẻ hiểu được giá trị thực sự của cuộc sống, cảm nhận được nắng gió, yên bình thôn quê... và tâm hồn trẻ sẽ hiền hòa, biết yêu thương hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn